Y tế - Sức khỏe

Việc nhiều, lương ít, y bác sĩ lặng thầm cống hiến tại trạm y tế

PHONG TUYẾT 04/07/2024 17:20

Có những người gắn bó với trạm y tế ở Hải Dương hơn nửa đời người. Công việc vất vả, lặng thầm còn đồng lương thì ít ỏi.

img_4612.jpeg
Bác sĩ Nguyễn Văn Phường công tác ở Trạm Y tế xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà (Hải Dương) gần 34 năm

Bệnh nhân giảm nhưng việc vẫn nhiều

Ngày nay, người dân có điều kiện kinh tế tốt hơn nên thường khám chữa bệnh, sinh đẻ ở trung tâm y tế hoặc bệnh viện tuyến trên. Trạm y tế tuyến xã từ đó cũng "ế khách" khám chữa bệnh. Tuy nhiên, không vì thế mà công việc ở đây nhàn nhã. Những y, bác sĩ vẫn đang cống hiến trong thầm lặng, nhất là với khối lượng lớn công việc y tế dự phòng. Qua giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, vai trò quan trọng của các trạm y tế càng được thấy rõ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phường công tác ở Trạm Y tế xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà (Hải Dương) từ năm 1990. Nhìn lại 34 năm cống hiến ở trạm, bác sĩ Phường thấy công việc ở trạm bây giờ vất vả hơn nhiều so với trước kia.

Ngoài trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân, bác sĩ Phường cùng các cán bộ ở trạm còn phụ trách nhiều chương trình mục tiêu y tế, công tác y tế dự phòng để bảo đảm phòng tránh, nắm bắt từ sớm tình hình dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cho người dân ký cam kết, đi tuyên truyền ở trường học... Xã Thanh Hải có gần 14.000 nhân khẩu, khối lượng công việc lớn nhưng biên chế, nhân lực thì vẫn thiếu so với quy định. Trạm Y tế xã Thanh Hải hiện có 4 biên chế, thiếu 3 biên chế, tức thiếu gần một nửa so với định mức được giao. Đây cũng là thực trạng của nhiều trạm y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Cũng vì thiếu biên chế nên dù là trạm trưởng hay điều dưỡng ở trạm cũng chia nhau phụ trách nhiều đầu việc, nhiều chương trình. "Chúng tôi còn thăm khám, cấp phát thuốc cho hàng trăm bệnh nhân trong xã mắc bệnh không lây nhiễm như huyết áp cao, tiểu đường. Đồng thời, phụ trách nhóm cộng tác viên y tế, dân số thôn, khu dân cư để nhắc lịch tiêm chủng, cập nhật biến động dân cư. Ngoài việc khám chữa bệnh trực tiếp, lượng công việc y tế dự phòng ngày nay ngày càng nhiều, mỗi người mỗi mảng đều vất vả", bác sĩ Phường chia sẻ.

Ở tuổi sắp nghỉ hưu, bác sĩ Phường vẫn mày mò máy tính để nhập dữ liệu, làm kế hoạch triển khai các chương trình, đề án... Cũng ở trạm này, các y, bác sĩ trẻ tuổi cũng đang lặng thầm cống hiến mỗi ngày vì sức khoẻ nhân dân. Làm việc lâu năm như bác sĩ Phường hiện cộng dồn tất cả các khoản lương, phụ cấp mới được hơn chục triệu đồng/tháng, còn những y, bác sĩ trẻ mới vào nghề chỉ được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Bác sĩ Phường chỉ mong ngành y không phải tiếp tục tinh giản biên chế và trạm sớm được bổ sung số biên chế còn thiếu, nâng cao thu nhập để cùng san sẻ công việc, chăm lo tốt hơn sức khoẻ nhân dân và làm tốt công tác y tế dự phòng.

Thù lao quá thấp

img_4629.jpeg
Bác sĩ Vũ Thị Mến ở Trạm Y tế xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) dạn dày kinh nghiệm với những ca trực đêm nguy hiểm

Ở ven quốc lộ 5 và là nơi tập trung nhiều công nhân ở trọ, các cán bộ, y, bác sĩ ở Trạm Y tế xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) từng gặp nhiều tình huống hiểm nguy trong những ca trực đêm. Với thâm niên nhiều năm trong nghề, bác sĩ Vũ Thị Mến dày dạn kinh nghiệm khi từng trải qua những đêm trực dài như thế.

"Xã có nhiều công nhân ở trọ, họ thường nhậu nhẹt, say xỉn rồi thương tích và tìm đến Trạm Y tế xã. Ban đêm trực một thân một mình, nhiều khi công nhân đến mè nheo, gây gổ, thách thức nên tôi phải gọi công an sang. Giờ người dân không sinh đẻ ở trạm nữa thì trực đêm lại có những tình huống như vậy", chị Mến chia sẻ.

Nằm ngay cạnh trụ sở công an cũng là điểm tựa an toàn của những y, bác sĩ trực đêm ở Trạm Y tế xã Cẩm Phúc. Chị Mến đã nhiều lần đối mặt nên bớt lo nhưng với các y, bác sĩ trẻ mới vào nghề thì đây là thách thức lớn khi thường lúng túng, sợ hãi. Mọi người bảo nhau sắp tới xã sáp nhập, chuyển trụ sở Trạm Y tế xa trụ sở công an thì không biết gọi ai.

Hiểm nguy là vậy nhưng thù lao một ca trực ngày đêm của các y, bác sĩ ở trạm từ năm 2012 đến nay vẫn là 18.500 đồng/ca. Thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, Tết là 47.500 đồng/ca trực 24 giờ. Tất cả cán bộ ở trạm phân công, chia lịch cứ cách 2 ngày lại trực 1 ngày, bảo đảm trạm có người thường trực 24/24 giờ. Mức chi trả một ca trực ngày đêm hiện quá thấp so với tình hình thực tiễn hiện nay nhưng vẫn chưa được thay đổi. Những y, bác sĩ ở trạm y tế như chị Mến chỉ mong sớm được nâng mức hỗ trợ này.

Trong điều kiện khó khăn ấy, khoảng 1.000 y, bác sĩ ở các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Hải Dương vẫn lặng thầm, tận tuỵ cống hiến . Mỗi người phụ trách một việc ở trạm nhưng tất cả cùng chung mục đích vì sức khoẻ nhân dân và đều mong sớm được hỗ trợ để cuộc sống được cải thiện, yên tâm gắn bó với nghề.

Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ, nhân viên ngành y tế ngày 15/5 vừa qua, vấn đề nâng cao thu nhập cho nhân viên ngành y tế nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đã yêu cầu các ngành liên quan sớm khảo sát, đánh giá, xây dựng, báo cáo ban hành quy định mới về các cơ chế chính sách liên quan đến ngành y tế, nhất là chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế.

PHONG TUYẾT