Triển khai giảm thuế giá trị gia tăng tới người nộp thuế
Ngày 1/7, Tổng cục Thuế cho biết đã có công điện gửi Cục thuế các địa phương về việc triển khai Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục thuế chủ động tuyên truyền phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời thực hiện Nghị định 72/2024/NĐ-CP.
Trước đó, ngày 30/6 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội.
Nghị định quy định từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2014 đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Theo các chuyên gia kinh tế, bối cảnh hiện nay, sức cầu trong nước đang rất thấp, nên giảm thuế giá trị gia tăng làm giảm hàng hóa dịch vụ xuống, đặc biệt là hàng hóa dịch vụ thiết yếu, từ đó tác động đến kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng nên tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Việc giảm thuế giá trị gia tăng đã mang lại nhiều lợi ích nhưng kinh tế phục hồi chưa vững chắc. Do đó, Chính phủ đề nghị tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng từ 1/1/2024 - 30/6/2024. Tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, kinh tế tiếp tục còn khó khăn nên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục kích cầu và đề xuất kéo dài chính sách này tới hết năm 2024.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc giảm thuế giá trị gia tăng góp phần tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng, làm tăng doanh số bán ra, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế. Chính sách này giúp giảm giá cả hàng hóa, khống chế được lạm phát, giữ được lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng cho biết, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Theo Bộ Tài chính cho hay, nếu thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng cuối năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội thì dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng).
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong 5 tháng đầu năm 2024 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 19,488 nghìn tỷ đồng.
“Các chính sách về tài khóa đã đi vào cuộc sống, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quay trở lại có đóng góp cho ngân sách nhà nước”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.