Số người bệnh đái tháo đường ở Việt Nam tăng gấp đôi so với 10 năm trước
Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, đáng chú ý trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, với 34% là biến chứng về tim mạch.
Theo Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, tại Việt Nam, số người mắc bệnh đái tháo đường đang ngày một gia tăng, tỷ lệ người bệnh tăng gấp đôi so với 10 năm trước.
Trong số đó, hơn một nửa chưa được chẩn đoán, nghĩa là không được điều trị. Trong số những người đã được chẩn đoán và điều trị, chỉ có khoảng 1/3 đạt được mục tiêu điều trị...
Bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới
Bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm.
Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hiểu biết của cộng đồng về "kẻ giết người thầm lặng" này còn nhiều hạn chế.
Theo số liệu của Hiệp hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới, năm 2021 trên toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh đái tháo đường. Các quốc gia có trên 20% dân số trưởng thành mắc bệnh bệnh này cũng ngày càng nhiều hơn.
Thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người từ 20 đến 79 tuổi đã tăng hơn gấp ba lần và trong vòng 15 năm qua; chi phí về y tế cho bệnh đái tháo đường cũng tăng lên gấp ba lần.
Tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Tỷ lệ trẻ em mắc đái tháo đường có xu hướng tăng
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em mắc đái tháo đường có xu hướng tăng, trong đó đái tháo đường tuýp 1 chiếm 90%. Dữ liệu từ các bệnh viện chuyên khoa nhi cho thấy cả nước có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở trẻ em cao hơn liên quan đến yếu tố môi trường như mức độ đô thị hóa, mật độ dân số, tình trạng kinh tế-xã hội, vĩ độ hoặc khoảng cách xa hơn so với đường xích đạo. Các yếu tố tiềm ẩn sự khác biệt về địa lý trong tỷ lệ mắc đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em vẫn chưa được hiểu rõ.
Thông tin của Bộ Y tế cũng cho thấy nhìn chung, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em theo giới tính. Tuy nhiên, trẻ nam trên 15 tuổi chiếm ưu thế trong tỷ lệ mắc đái tháo đường tuýp 1.
Tỷ lệ mắc đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em thay đổi theo độ tuổi, tuổi khởi phát hay gặp nhất từ 10-14 tuổi ở nhiều quần thể. Những năm gần đây, độ tuổi khởi phát bệnh đang có xu hướng giảm dần ở một số quốc gia.
Tỷ lệ phát hiện bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em cao nhất vào những tháng mùa thu và mùa đông. Dịch tễ học của bệnh đái tháo đường ở trẻ em đang tiếp tục thay đổi với sự khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia và các nhóm nhân khẩu học khác nhau trong chính các quốc gia. Tại Việt Nam, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của đái tháo đường tuýp 1.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong 33 năm có 943 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 tính, đến nay số trẻ mắc nhỏ hơn 18 tuổi vẫn đang được điều trị và quản lý là 586 trẻ. Số trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 có xu hướng gia tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ năm 2017 đến 2023, mỗi năm có từ 60 đến 95 trẻ mới được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, gặp ở từ nhóm tuổi sơ sinh, đến bất kỳ nhóm tuổi nào và ở bất kỳ thời điểm nào đều có thể phát hiện ra, tuy nhiên đôi khi có những trường hợp khi phát hiện bệnh đã ở tình trạng hôn mê, nhiễm toan, nguy cơ đe dọa tính mạng.
Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin ban đầu ở bệnh viện, sau đó liều ổn định sẽ điều trị tại nhà. Với bệnh này chủ yếu tập trung vào theo dõi bệnh nhân, điều trị phù hợp giảm thiếu nhất biến chứng.
Để tăng cường chuẩn hóa và chất lượng trong khám bệnh, chữa bệnh đái tháo đường tuýp 1, dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật và các khuyến cáo quốc tế, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên, tập trung chủ yếu vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 1.
Theo Bộ Y tế hơn 77% số ca tử vong tại Việt Nam liên quan đến bệnh không lây nhiễm và tỷ lệ này có xu hướng tăng. Cùng với bệnh tim mạch, ung thư, COPD, đái tháo đường là những bệnh thuộc nhóm này.
Bộ Y tế và các Hội chuyên ngành, các đối tác công-tư, tổ chức quốc tế hoạt động về sức khỏe đã và đang đồng hành, nỗ lực truyền thông, triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đái tháo đường nhằm mang lại những thay đổi tích cực, ý nghĩa cho cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam.