Thiếu kho bảo quản vật chứng thi hành án
Việc thiếu kho bảo quản vật chứng tại nhiều Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện ở Hải Dương gây ra những khó khăn.
Tận dụng gầm cầu thang làm kho
Hằng năm, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ninh Giang tiếp nhận quản lý nhiều vật chứng phục vụ cho công tác điều tra, xét xử, truy tố và thi hành án. Do không có kho bảo quản nên cơ quan thi hành án đã tận dụng gầm cầu thang, khu nhà tắm của đơn vị làm nơi chứa các vật chứng. Riêng đối với vật chứng có kích cỡ lớn như tàu, thuyền, ô tô, xe tải... đơn vị phải làm hợp đồng thuê trông giữ ở nơi khác có đủ điều kiện bảo quản. Số tiền thuê phải trả hằng tháng khá lớn, thời gian kéo dài, gây tốn kém không ít cho ngân sách nhà nước. Điển hình vào tháng 10/2022, Chi cục Thi hành án huyện Ninh Giang đã tiếp nhận vật chứng có liên quan đến vụ án về kinh tế, môi trường với khối lượng lớn vật chứng cần tiêu hủy. Do chưa có kho vật chứng, diện tích tại đơn vị chật hẹp nên phải hợp đồng thuê trông giữ trong 8 tháng.
Theo Thủ kho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ninh Giang Nguyễn Thị Mỹ, số vật chứng chuyển sang cơ quan thi hành án hằng năm nhiều, đa dạng. Nhiều vật chứng có yếu tố đặc thù, dễ vỡ vì không có kho vật chứng nên phải bảo quản cùng với các vật chứng thông thường khác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. “Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra vật chứng để tránh để xảy ra tình trạng mất cắp hay hư hại. Việc thuê bảo quản vật chứng cách xa với trụ sở làm việc dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận, quản lý”, chị Mỹ cho biết.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Hà hiện cũng chưa có kho bảo quản vật chứng. Cơ quan thi hành án huyện phải sử dụng phòng làm việc, nhà xe của cơ quan làm nơi để vật chứng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chi cục trưởng Thi hành án dân sự huyện Thanh Hà, kho vật chứng là cơ sở vật chất quan trọng trong việc tập trung, lưu giữ, bảo quản vật chứng, đồ vật và tài liệu khác đã thu thập được của các vụ án. Do ngân sách hạn hẹp nên chưa bố trí kinh phí xây dựng kho vật chứng. "Việc bảo quản vật chứng bằng giải pháp đi thuê, tận dụng phòng làm việc, nhà xe như hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng tôi kiến nghị, mong muốn trong thời gian tới các cấp quan tâm hỗ trợ đơn vị sớm xây kho bảo đảm theo quy định, phục vụ tốt cho công tác thi hành án", ông Hà nêu ý kiến.
Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương, hết năm 2023, toàn tỉnh có 4 đơn vị được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án đầu tư kinh phí xây kho vật chứng kiên cố, gồm Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chi Cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương, TP Chí Linh và huyện Thanh Miện. Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh còn 5 Chi cục Thi hành án cấp huyện chưa có kho bảo quản vật chứng gồm Thanh Hà, Ninh Giang, Kim Thành, Tứ Kỳ và Bình Giang. Chi Cục Thi hành án thị xã Kinh Môn, Cẩm Giàng đã có kho nhưng diện tích còn khá chật hẹp từ 50-80 m2. Thủ kho ở một số Chi cục Thi hành án cấp huyện còn kiêm nhiệm cả thủ quỹ, chấp hành viên...
Sớm quan tâm tháo gỡ
Bảo quản và quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự rất quan trọng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng còn nhiều khó khăn.
Ngày 28/12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TU về nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2024, trong đó có chỉ đạo sớm đầu tư xây dựng các kho bảo quản vật chứng.
Đến nay, việc xây dựng trụ sở làm việc, trong đó có kho vật chứng của Chi cục Thi hành án dân sự các huyện Tứ Kỳ, Kim Thành đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025 của ngành. Thời gian qua, UBND một số huyện đã quan tâm hỗ trợ kinh phí xây kho vật chứng như: Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách và thị xã Kinh Môn.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn chậm do nguồn kinh phí còn hạn hẹp hoặc chưa quy hoạch được quỹ đất để xây dựng kho. Việc xin hỗ trợ kinh phí từ cấp trên còn nhiều khó khăn, chủ yếu do địa phương trích ngân sách hỗ trợ xây mới, cải tạo.
Tại cuộc giám sát của HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tháng 5 vừa qua, cơ quan thi hành án cũng tiếp tục nêu những khó khăn, bất cập trong việc thiếu kho bảo quản vật chứng ở cấp cơ sở, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo các huyện Ninh Giang, Thanh Hà, Bình Giang đề nghị quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng kho vật chứng. Đơn vị cũng đề nghị UBND các huyện rà soát quy hoạch, bố trí diện tích phù hợp để đưa vào kế hoạch đầu tư công xây dựng trụ sở (bao gồm kho vật chứng) giai đoạn 2026-2030. Riêng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Hà, diện tích và vị trí hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư công hiện nay.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh cũng đã đề xuất Tổng Cục Thi hành án, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí và các địa phương ưu tiên nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các kho bảo quản vật chứng còn thiếu.
Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.
Vật chứng được thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng quy định, chứa dựng các thông tin được xác định là chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội cũng như các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.