Ngày làm việc cuối cùng Kỳ họp thứ 7: Quốc hội khóa XV thông qua một số luật và Nghị quyết Kỳ họp
Trong ngày làm việc thứ 28, cũng là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội biểu quyết thông qua một số luật và Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Ngày 29/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 28, cũng là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại hội trường, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử.
Kết quả như sau, đối với quy định rút bảo hiểm xã hội một lần: có 470 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,71% tổng số đại biểu Quốc hội); có 456 đại biểu tán thành (bằng 93,83% tổng số đại biểu Quốc hội); có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,03% tổng số đại biểu Quốc hội); có 9 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,85% tổng số đại biểu Quốc hội).
Đối với toàn bộ luật: có 465 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,68% tổng số đại biểu Quốc hội); có 454 đại biểu tán thành (bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội); có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,03% tổng số đại biểu Quốc hội); có 6 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,23% tổng số đại biểu Quốc hội).
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử. Có 468 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,30% tổng số đại biểu Quốc hội); có 459 đại biểu tán thành (bằng 94,44% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội); có 7 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,44% tổng số đại biểu Quốc hội).
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Kết quả có 469 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,50% tổng số đại biểu Quốc hội); có 404 đại biểu tán thành (bằng 83,13% tổng số đại biểu Quốc hội); có 37 đại biểu không tán thành (bằng 7,61% tổng số đại biểu Quốc hội); có 28 đại biểu không biểu quyết (bằng 5,76% tổng số đại biểu Quốc hội).
Quốc hội biểu quyết thông qua kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Kết quả như sau: có 469 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,50% tổng số đại biểu Quốc hội); có 467 đại biểu tán thành (bằng 96,09% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội).
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên bế mạc. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử.
Kết quả như sau: có 473 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,33% tổng số đại biểu Quốc hội); có 472 đại biểu tán thành (bằng 97,12% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).
Tiếp theo, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử.
Kết quả như sau: có 460 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,65% tổng số đại biểu Quốc hội); có 460 đại biểu tán thành (bằng 94,65% tổng số đại biểu Quốc hội).
Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội làm lễ chào cờ.