Phẩm giá người bị quay lén
Năm 18 tuổi, đứng trước lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời học sinh, trong lúc nhiều bạn bè làm cả chục bộ hồ sơ để chọn nhiều trường, tôi chỉ kiên định một nguyện vọng: Đại học Luật Hà Nội.
Vài năm trước đó, tôi đọc được bài viết của một luật sư, trong đó trích dẫn Điều 1 Hiến pháp Đức năm 1949, như sau: Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan Nhà nước. Nhân dân Đức do đó thừa nhận các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người như là cơ sở của mọi cộng đồng, của hòa bình và công lý thế giới.
Đó là tuyên bố của một đất nước vừa trải qua những cuộc chiến tranh mà dường như vì thế họ hiểu được nguồn gốc của những đau đớn cho nhân loại xuất phát từ việc chà đạp lên nhân phẩm con người.
Tiếp tục học lên, tôi hiểu rằng, bằng cách này hay cách khác, tất cả thể chế dân chủ trên thế giới đều xem đây là nội dung căn bản nhất của hiến pháp - văn bản tạo nên và duy trì chính quyền quốc gia. Cụ thể, Điều 20, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Theo đó, hoàn toàn hợp với lẽ tự nhiên, con người trước hết tồn tại dưới dạng thân thể vật chất, được xác định và tự xác định bởi chính cơ thể của mình. Bởi vậy, trước hết về "thân thể" phải "bất khả xâm phạm". Đó là cơ sở để pháp luật có thể bảo hộ tất cả những giá trị còn lại của con người. Bởi một khi thân thể đã bị xâm phạm thì sức khỏe, danh dự và nhân phẩm là những thứ ngay lập tức bị thiệt hại.
Tôn trọng phẩm giá của mỗi con người là cơ sở để tạo dựng nên cộng đồng, duy trì trạng thái hòa bình (trạng thái các quyền con người được pháp luật bảo vệ, thay cho chiến tranh - sức mạnh quyết định ai được sống). Và quan trọng nhất, nó định nghĩa "công lý" - một khái niệm từng luôn mơ hồ và tranh cãi trong lịch sử loài người. Công lý ở đây được hiểu trong mọi trường hợp là hành vi có mục đích để bảo vệ phẩm giá con người.
Tôi nghĩ đến tất cả những điều này khi biết tin một chủ nhà trọ bị UBND quận Hà Đông, Hà Nội bị phạt 12,5 triệu đồng về hành vi thu thập trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; buộc hủy video lưu hình ảnh của các cô gái thuê trọ mà ông này đã đặt máy quay lén trong nhà vệ sinh.
Chủ nhà trọ khai muốn xem lén khách nữ tắm nên đã mua ba bộ camera lắp vào ba phòng vệ sinh. Ông thường xem trực tiếp trên điện thoại hoặc lưu trên ứng dụng để xem lại. Ông này nói chưa phát tán hình ảnh quay lén.
Công an quận Hà Đông cho biết hành vi của chủ nhà trọ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tôi tin là nhiều người cũng như tôi, băn khoăn về mức xử phạt hành chính đối với hành vi này. Cơ quan thực thi pháp luật có thể gặp khó khăn nhất định (liên quan đến yếu tố phát tán và gây hậu quả) khi tìm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng cũng vì như vậy, sự bức xúc của những người tiếp nhận thông tin về toàn bộ sự việc này cũng có cơ sở chính đáng, dựa trên những lập luận khác.
Hành vi của ông chủ trọ bị khép vào tội thu thập trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Hình ảnh của một người trong nhà vệ sinh liệu có thể được xem là "thông tin cá nhân"? Cơ thể con người bị xem lén và quyền riêng tư bị xâm phạm liệu có phải chỉ là "thông tin cá nhân bị thu thập trái phép"? Với các nạn nhân, còn gì ám ảnh hơn nghĩ đến việc cơ thể mình đã nhiều lần bị người mà mình tiếp xúc lén lút ghi hình và xem lại ngày này qua ngày khác.
Mức phạt thiếu răn đe này, tệ hơn, có thể dẫn đến nhận thức sai lầm rằng quay lén người khác để xem, thỏa mãn sở thích biến thái của mình, mà không phát tán, thì cũng chỉ là vi phạm hành chính, chỉ bị phạt tiền.
Trong khi đó, Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác quy định người nào xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác thì thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu phạm tội 2 lần trở lên; hoặc đối với 2 người trở lên. Chủ trọ trên thực tế đã cố ý quay lén, xâm phạm thân thể nhiều người trong suốt thời gian dài.
Luôn tồn tại những khoảng cách giữa quy định pháp luật và thực tế cuộc sống, tạo ra những tình huống khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật, gây thiệt thòi cho nạn nhân. Nhưng nếu luật còn bất cập, chế tài chưa phù hợp với tội danh, thì việc cần làm là sửa đổi, điều chỉnh.
Bởi vì phẩm giá con người là bất khả xâm phạm. Nếu sàm sỡ người khác trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng; đặt máy quay lén người khác tắm chỉ bị phạt 12,5 triệu đồng thì phẩm giá con người sẽ còn bị tổn hại.