Quốc tế

Những cái nhất vòng bảng EURO 2024

VN (tổng hợp) 28/06/2024 18:45

Tây Ban Nha ấn tượng, Scotland tệ hại, Cristiano Ronaldo dứt điểm vượt trội hay Romelu Lukaku hỏng ăn nhiều nhất... là những thông số đứng đầu vòng bảng EURO 2024.

Đội gây ấn tượng nhấtTây Ban Nha, khi chỉ có họ toàn thắng và không thủng lưới bàn nào. Dù rơi vào bảng "tử thần", đoàn quân Luis de la Fuente lần lượt thắng Croatia 3-0, Italy và Albania 1-0, để vào vòng 1/8 gặp Gruzia.

Theo đánh giá của Whoscored, Tây Ban Nha cũng có điểm trung bình cao nhất với 6,97 điểm, theo sau là Đức, Pháp và Gruzia. Họ cũng đang có khả năng vô địch cao thứ hai với 17%, chỉ sau Anh 20%, theo siêu máy Opta.

Đóng góp lớn vào thành công của Tây Ban Nha là tiền vệ Fabian Ruiz, khi anh được chấm điểm trung bình cao nhất vòng bảng (8,39), cao hơn hẳn cầu thủ đứng sau Cody Gakpo (7,8). Ruiz ghi một bàn, trong đó có tuyệt phẩm vào lưới Croatia, đồng thời kiến tạo một bàn khác. Tiền vệ 28 tuổi từng là cầu thủ hay nhất giải U21 châu Âu, giúp Tây Ban Nha đăng quang năm 2019. Lần này, anh có cơ hội tái hiện kỳ tích, ở cấp độ trưởng thành.

Bên cạnh Tây Ban Nha, chủ nhà Đức cũng gây ấn tượng khi ghi nhiều bàn nhất, với 8 bàn. Thắng lợi 5-1 của họ trước Scotland trong trận khai mạc cũng là tỷ số đậm nhất. Đức sau đó thắng Hungary 2-0 để đi tiếp sớm một lượt đấu, nhưng phải vất vả cầm hòa Thụy Sĩ 1-1 ở phút bù giờ. Thầy trò Julian Nagelsmann còn dẫn đầu giải về số pha dứt điểm (57), tỷ lệ giữ bóng (69,5%) hay số đường chuyền (2.037).

Sự áp đảo của Đức dựa nhiều vào khả năng kiểm soát của Toni Kroos ở tuyến giữa, khi anh chuyền bóng nhiều nhất, với 340 lần đưa tới đồng đội, vượt xa cầu thủ đứng sau là Antonio Rudiger (272). Anh cũng đứng trong top 10 cầu thủ được chấm điểm cao (7,45). Đây là giải đấu cuối cùng sự nghiệp của tiền vệ 34 tuổi, và mục tiêu của anh chính là giữ chức vô địch ở lại Đức.

Gây thất vọng nhấtScotland, khi họ thủng lưới nhiều nhất (7 bàn) và cũng ở trong nhóm giành ít điểm nhất (1 điểm). Điểm trung bình của hậu vệ Andy Robertson và đồng đội cũng chỉ là 6,24, thấp nhất giải. Thông số bàn thắng kỳ vọng mà họ tạo ra cũng thấp nhất, tổng cộng chỉ là 1,54, thấp hơn nhiều so với đội đứng ngay trên Slovakia (2,72). Điều đó có nghĩa chất lượng cơ hội đoàn quân Steve Clarke tạo ra thấp nhất giải.

Cầu thủ tấn công gây thất vọng nhất là Romelu Lukaku, khi anh bỏ lỡ nhiều cơ hội ngon ăn nhất (6), chưa kể tỷ lệ chuyền chuẩn thấp nhất đội (72%). Tiền đạo 31 tuổi cũng kém duyên, khi anh bị VAR từ chối nhiều bàn nhất (3). Thông số bàn thắng kỳ vọng của anh lên tới 2,24, tức là tiền đạo bình thường có thể ghi trên hai bàn từ những cơ hội Lukaku đã có, nhưng lúc này anh vẫn tịt ngòi.

Một cầu thủ khác cũng gây thất vọng ở vòng bảng là Cristiano Ronaldo, bởi anh dứt điểm nhiều nhất (12), nhưng lại không ghi bàn nào. Lần đầu trong sự nghiệp, tiền đạo 39 tuổi mới tịt ngòi ở vòng bảng một giải lớn của Bồ Đào Nha. Ronaldo cũng có nhiều khán giả lẻn xuống sân chụp hình cùng nhất, với sáu trường hợp như vậy giữa trận đấu. Tuy nhiên, thủ quân Bồ Đào Nha lại tạo ra sáu cơ hội cho đồng đội dứt điểm, cao nhất đội cùng Bernardo Silva.

Ronaldo tịt ngòi phần nào bởi tài năng của thủ môn Giorgi Mamardashvili, khi anh cứu thua nhiều nhất (21 lần) cho Gruzia, bỏ xa người đứng thứ hai Florin Nita với 13 pha cứu thua cho Romania. Mamardashvili 24 tuổi, cũng đang là thủ môn số mộtValencia tại Tây Ban Nha. Anh cũng nằm trong top 10 cầu thủ được chấm điểm cao nhất vòng bảng (7,75).

Gruzia bay cao tại EURO 2024 còn nhờ tiền đạo Georges Mikautadze - người ghi nhiều bàn nhất (3), bên cạnh đường kiến tạo cho Khvicha Kvaratskhelia mở tỷ số vào lưới Bồ Đào Nha. Mikautadze chỉ cần sáu pha dứt điểm để ghi ba bàn, trong khi Ronaldo hay Lukaku đều dứt điểm 10 lần trở lên nhưng chưa ghi được bàn.

Tiền đạo Benjamin Sesko (số 11) cũng chưa ghi bàn cho Slovenia ở EURO 2024, nhưng chạy nhanh nhất (35,9 km/h). Top 5 cầu thủ nhanh nhất giải cũng đều là tiền đạo, trong đó còn Rasmus Hojlund hay Rafael Leao.

Cầu thủ chạy nhiều nhất giải là tiền vệ phòng ngự Ylber Ramadani (37,5 km), nhưng Albania đã bị loại.

Một tiền vệ phòng ngự khác gây ấn tượng ở vòng bảng là Razvan Marin, khi anh ghi một tuyệt phẩm sút xa cho Romania vào lưới Ukraine. Bàn thắng thứ hai của anh tại giải là phạt đền, với cú sút thành bàn mạnh nhất (157 km/h), tung nóc lưới Slovakia. Để so sánh, tuyệt phẩm sút phạt "hình chuối" nổi tiếng của cựu hậu vệ trái Roberto Carlos vào lưới Pháp năm 1997 có tốc độ 138 km/h.

VN (tổng hợp)