Giáo dục và đào tạo

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bất ngờ khi “Dòng sông và những thế hệ của nước” vào đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2024

TH 27/06/2024 20:45

Tối 27/6, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có những chia sẻ với báo Hải Dương về một đoạn văn bản trong “Dòng sông và những thế hệ của nước” được đưa vào đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

quangthieu(2).jpg
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

- Đề môn ngữ văn thi tốt nghiệp THPT sáng 27/6 được đánh giá khá hay, nhất là phần văn bản đọc hiểu có trích đoạn trong "Dòng sông và những thế hệ của nước" của nhà thơ. Cảm xúc của nhà thơ thế nào?

- Tôi vui nhưng cũng hơi bất ngờ!

- Sao nhà thơ lại bất ngờ?

- Vì không nghĩ họ đọc bài đó và trích cho làm đề thi. Đấy là đoạn trích trong một tiểu luận của tôi về tính kế thừa của các thế hệ nghệ sĩ trong lịch sử sáng tạo của họ.

devan1.jpg
Đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2024

- Phần văn bản đọc hiểu đó được nhiều giáo viên ngữ văn đánh giá đậm triết lý về sự kế thừa của các thế hệ văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo ra các tác phẩm. Nhà thơ đánh giá như thế nào về nhận định đó?

- Sự cảm nhận của các giáo viên đồng nhất với ý tưởng của tôi trong tiểu luận đó.

- Với tư cách là tác giả đoạn trích, để đạt điểm tối đa (3 điểm) trong phần thi này, các em học sinh cần làm rõ những nội dung gì?

- Các em chỉ cần xác lập tính biểu tượng: dòng sông, các thế hệ nước mà tác giả đưa ra. Nói về tính kế thừa trong nghệ thuật cũng như trong dòng chảy của đời sống. Chỉ đơn giản vậy thôi vì tôi cũng viết tiểu luận này với suy nghĩ đơn giản như vậy. Tôi chọn nước vì sự không tách rời và khả năng hoà đồng của nước.

- Nhà thơ có suy nghĩ gì khi gần đây, rất nhiều đề thi đã thoát khỏi những văn bản mang tính khuôn mẫu để tiếp cận tới các tác phẩm mới, gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội?

- Tôi thấy đó là một tín hiệu tốt của ngành giáo dục và đào tạo. Chỉ như vậy mới mang tới sự sáng tạo và khả năng tư duy độc lập cho học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương bỏ văn mẫu từ mấy năm trước. Cách ra đề mấy năm gần đây đã minh chứng điều đó.

- Xin cảm ơn nhà thơ!

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (sinh năm 1957) tại làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội), hiện sống tại quận Hà Đông (Hà Nội). Ông tốt nghiệp đại học ở Cuba.

Nhà thơ từng làm việc tại Tuần báo Văn nghệ, Tuần Việt Nam (tuanvietnam.vn thuộc báo điện tử Vietnamnet.vn), Uỷ viên Hội đồng Thơ khóa VII, Phó Chủ tịch hội, Trưởng Ban Sáng tác, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật văn học Hội Nhà văn Việt Nam khoá VIII-IX. Từ năm 2017, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch hội, đồng thời vẫn làm Phó Tổng Thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á-Phi và Mỹ La Tinh.

Bắt đầu viết văn từ năm 1983, ông là cây bút đa năng và sung sức, xuất hiện thường xuyên trên văn đàn, báo chí. Ông nhanh chóng nổi lên như một nhà thơ trẻ cách tân hàng đầu thế hệ mình. Bên cạnh thơ, ông cũng ghi dấu ấn về văn xuôi, tiểu luận, dịch thuật và góp phần quan trọng quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

Ngoài ra, ông còn là họa sĩ, đã có cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên “Người thổi sáo” vào tháng 1/2021 gây tiếng vang lớn. Tranh của ông nằm trong nhiều bộ sưu tập ở trong và ngoài nước.

Nhà thơ còn viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh và hơn 500 bài báo, bút ký, ghi chép, tiểu luận… với các bút danh như Trực Ngôn, Vương Thảo, Hạnh Nguyên, Hoàng Lê…

Thơ và truyện ngắn của ông đã được in thành sách, được giới thiệu trên các tạp chí và báo ở các nước như Mỹ, Pháp, Nga, Úc, Ireland, Nhật, Hàn Quốc, Venezuela, Colombia, Na Uy, Thuỵ Điển, Malaysia, Thái Lan…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giành nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa; Giải thưởng Final cho tập thơ The Women Carry River Water của The National Literary Translators Association of America năm 1998...

TH