Tin tức

Hamas cân nhắc chuyển trụ sở chính trị từ Qatar sang Iraq

T.H (tổng hợp) 26/06/2024 20:00

Hồi tháng 5, chính phủ Iraq đã phê chuẩn việc mở một văn phòng của lực lượng phong trào Hồi giáo Hamas tại Baghdad.

Chú thích ảnh
Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh trong cuộc họp báo tại Doha, Qatar ngày 20/12/2023

Thông tin trên được báo The National có trụ sở tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đưa ngày 24/6.

Chuyên gia quân sự Yury Lyamin đánh giá khả năng chuyển trụ sở lãnh đạo chính trị của Hamas từ Qatar sang Iraq có thể là một động thái phản ứng trước sức ép ngày càng tăng mà Doha đang phải đối mặt từ Washington trong các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn ở Gaza.

“Giới lãnh đạo Mỹ đang tìm cách gây sức ép đối với Qatar để tác động lên ban lãnh đạo chính trị Hamas và buộc nhóm này phải đồng ý với những điều khoản mơ hồ về một thỏa thuận ngừng bắn với Israel. Do đó, Hamas đang xem xét một địa điểm dự phòng nếu Qatar phải chịu một sức ép quá lớn”, ông Yuri - hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) – lý giải.

Bài báo cũng đề cập Iraq dự kiến ​​đảm bảo an toàn cho các nhà lãnh đạo Hamas và văn phòng của họ ở Baghdad. Các cuộc thảo luận về việc di dời trụ sở được cho là đã diễn ra vào tháng trước giữa thủ lĩnh chính trị của Hamas, Ismail Haniyeh, và đại diện của chính phủ Iraq, Iran. Ông Haniyeh cũng thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani. Ngoài ra, Hamas gần đây đã thành lập một văn phòng chính trị ở Baghdad do quan chức cấp cao Mohammed Al Hafy đứng đầu.

Về phần mình, Hamas dường như phủ nhận mọi thông tin di dời trụ sở. Trong một thông báo trên tài khoản Telegram, Izzat Al-Rishq - thành viên văn phòng chính trị của Hamas – nêu rõ: “Những thông tin cho rằng Hamas có kế hoạch rời Qatar và tới Iraq là không đúng sự thật”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia quân sự Yury, động thái chuyển trụ sở chính trị của Hamas sang Iraq không phải là một điều bất lợi với nhóm này.

Chuyên gia này cho biết chính quyền Iraq có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán với Mỹ và các nước phương Tây khác. Khác với Qatar, do ảnh hưởng mạnh mẽ của Iran, Mỹ sẽ không thể gây sức ép quá nhiều lên chính quyền Iraq.

“Song, điều này có thể kéo theo một rủi ro khác. Israel có thể tìm cách thực hiện các cuộc không kích nhằm vào giới lãnh đạo Hamas trên lãnh thổ Iraq. Nếu như ở Qatar, sẽ không có mối đe doạ kiểu như vậy”, ông Yury lưu ý.

Chuyên gia còn nói thêm hiện tại, các quyết định quan trọng trong các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza không xoay quanh vị trí của trụ sở chính trị Hamas đặt ở đâu mà hoàn toàn phụ thuộc vào lập trường của đại diện lãnh đạo nhóm ở Dải Gaza.

Thông tin di dời trụ sở chính trị của Hamas xuất hiện trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian đang bị đình trệ.

Trong cuộc hội đàm với Bộ Ngoại giao Nga tại Moskva, Phó thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas Moussa Abu Marzouk bày tỏ mong muốn để Nga đóng vai trò là một trong những bên bảo đảm cho thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Ông nhấn mạnh đang không có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Hơn nữa, Hamas vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào liên quan đến những sửa đổi mà họ đề xuất cho kế hoạch.

"Những nỗ lực của những người bạn Qatar vẫn đang tiếp tục, họ đang cố gắng phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình, nhưng không có tiến triển gì... Chúng tôi đã thực hiện một số thay đổi nhưng Israel không đồng ý”, ông Marzouk cho hay.

T.H (tổng hợp)