Người nước ngoài ngạc nhiên với cách xem EURO ở Việt Nam
Vừa bước đến phố đi bộ Bùi Viện (TP Hồ Chí Minh), Fabian thấy choáng ngợp trước không khí bóng đá sôi động ở đây.
"Tôi không ngờ người Việt yêu bóng đá cuồng nhiệt đến vậy", kỹ sư người Đức, 31 tuổi, ở quận 3, nói.
Fabian đến khu phố này cùng ba người bạn để xem trận đấu cuối cùng ở vòng bảng của đội tuyển Đức. Anh nhận ra hầu hết quán bar, nhà hàng đều đã bổ sung màn hình LED, bố trí máy chiếu để phục vụ nhu cầu của khách. Một vài người thậm chí còn mặc áo màu đội tuyển họ thích và vỗ tay với mỗi bàn thắng.
"Điều khiến tôi ngạc nhiên nữa là người Việt xem hầu hết các trận", Fabian nói. "Chúng tôi chỉ xem đội tuyển quốc gia mình".
Chàng trai đã ở Việt Nam 8 tháng đoán EURO là sự kiện không quá lớn ở đất nước này. Tuy nhiên, anh biết mình đã nhầm ngay khi ra đường. Lịch thi đấu của giải bóng đá được dán ở khắp các quán ăn, tiệm cà phê. Người Việt Nam bàn bạc, thảo luận về từng đội bóng, từng cầu thủ với sự am hiểu khá cao. Trong khi ở Đức, anh chỉ theo dõi tỷ số hoặc những trận quan trọng như bán kết, chung kết.
Với Lennartz, 53 tuổi, kỹ sư người Hà Lan, người Việt là những "fan cuồng" đích thực của bóng đá. Ông nhớ những ngày đầu đến Việt Nam, thấy hàng xóm của mình hét lớn mỗi khi cầu thủ ghi bàn. Tò mò hỏi họ đang cổ vũ cho đội nào, ông nhận được câu trả lời rất bất ngờ: Chúng tôi thích mọi bàn thắng.
"Điều này khiến tôi ấn tượng", người đàn ông đang sống ở TP Thủ Đức kể. "Ở châu Âu, người ta không ăn mừng cho tất cả các đội bóng". Lennartz và cháu trai là người hâm mộ Feyenoord. Ông cũng từng đến mọi sân vận động nơi diễn ra các kỳ EURO nhưng chỉ để cổ vũ Hà Lan hoặc Đức.
Lennartz thích cách xem bóng đá rất cộng đồng của người Việt. Ông hiểu nhậu trong khi xem bóng đá là nét văn hóa. Họ mời nhiều người như hàng xóm, bạn bè, bày mâm thức ăn lớn rất nhiều món và uống bia cùng nhau.
Trước khi vào trận bóng, ông được hỏi "có thể uống được bao nhiêu?" và nâng ly hầu như liên tục. Người Việt cũng rất thích bàn luận về bóng đá. "Qua những cuộc trò chuyện, tôi nhận ra họ biết tên các đội bóng và cầu thủ ở Hà Lan tốt hơn tôi", ông nói.
Tuần trước, khi tham gia giải chạy ở TP Quy Nhơn (Bình Định), ông xem bóng đá một mình trong khách sạn, cảm thấy rất trống vắng. Ông nhận ra mình đã có thói quen xem bóng đá như cách của người Việt.
6 năm trước, Lennartz đeo băng rôn, xuống đường và hò hét cổ vũ tuyển Việt Nam. Người đàn ông Hà Lan cảm nhận "hơi thở và tình yêu" bóng đá gắn kết người Việt. Tối 25/6, ông đặt trước chỗ trong quán bar ở TP Thủ Đức để xem trận Hà Lan-Áo.
Ghi nhận của phóng viên ở TP Hồ Chí Minh cho thấy nhiều quán bar, nhà hàng, quán cà phê ở đường Bùi Viện, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Hưng Đạo (quận 1), Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Ngọc Thạch (quận 3) lắp màn hình chiếu, ti vi cỡ lớn từ giữa tháng 6 để phục vụ nhu cầu xem EURO của khách hàng.
Một nhân viên ở quán bar trên đường Bùi Viện nói lượng khách tăng 10-15% từ đầu mùa EURO. Họ đã bố trí thêm 5 màn hình ti vi cùng ghế ngồi, đón khách Việt Nam lẫn nước ngoài. Khách xem bóng đá khung thời gian 20 giờ, 23 giờ là đông nhất. Vào cuối tuần, con đường đông nghịt người, phải chen chúc để có chỗ ngồi.
Dean, quốc tịch Anh, nói mình là người hâm mộ bóng đá nhưng không thể thức đêm xem như người Việt. Ông sống ở TP Hồ Chí Minh đã 20 năm nhưng mỗi kỳ EURO, Dean chỉ xem những trận trước 0 giờ và không thể thức đến 2 giờ để chờ những trận muộn.
"Họ xem nhiều trận đấu hơn dân châu Âu chúng tôi", Dean nói.
Dean ngạc nhiên khi thấy đồng nghiệp mình không ngủ đủ 8 tiếng, chấp nhận thức khuya để xem bóng đá và đi làm vào ngày hôm sau. Trong khi ở châu Âu, họ cùng múi giờ, có điều kiện xem tốt hơn nhưng chỉ theo dõi kết quả và dành thời gian với những trận mà họ cho là hấp dẫn.