Niềm vui nhân đôi của giáo viên Hải Dương
Thông tin về điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 và chưa bỏ phụ cấp thâm niên đem lại niềm vui nhân đôi cho hàng chục nghìn giáo viên tại Hải Dương.
Hợp lòng dân
Cùng chung cảm xúc với hàng chục nghìn giáo viên khác ở Hải Dương, chị Vũ Thị Dung, giáo viên Trường Mầm non Ngọc Sơn (TP Hải Dương) đã công tác trong ngành giáo dục gần 14 năm rất vui mừng với thông tin sẽ được tăng lương từ ngày 1/7 tới. Tính cả lương cơ bản, phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề, phụ cấp chức vụ, lương hiện tại của chị Dung được khoảng 7,5 triệu đồng/tháng.
Chị Dung cho biết có 2 con nhỏ học lớp 3 và lớp 6. Với mức lương này cùng với lương của chồng, các khoản chi tiêu trong gia đình phải căn ke mới đủ được, có khi còn thiếu.
“Từ ngày 1/7 tới, lương của tôi sẽ tăng đáng kể, gần 3 triệu đồng/tháng. Đây là một khoản tăng thêm quan trọng trong tháng để chi phí sinh hoạt gia đình", chị Dung nói.
Nhiều giáo viên phấn khởi cho rằng chính sách điều chỉnh tăng lương cơ sở lần này phù hợp với tình hình của đất nước và hợp lòng dân; tạo động lực lớn để nhiều giáo viên cải thiện hơn trong cuộc sống và gắn bó với nghề hơn.
Chị Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ) mới trúng tuyển biên chế được 2 năm. Cộng tất cả các khoản phụ cấp, lương của chị Hiền đang hưởng gần 5,3 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1/7 tới, lương của chị sẽ tăng lên khoảng 7 triệu đồng/tháng.
“Tôi bắt đầu vào nghề và dạy hợp đồng từ năm 2018, đầu năm 2023 mới vào biên chế. Suốt 5 năm làm giáo viên hợp đồng, lương cũng chỉ trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Tôi có 2 con nhỏ nên chi tiêu hằng tháng cũng phải căn ke. Từ ngày 1/7 tới, lương tăng lên đáng kể khiến tôi và nhiều đồng nghiệp rất phấn khởi. Việc tăng lương cơ sở sẽ góp phần cải thiện đời sống, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, nhất là giáo viên thêm gắn bó với nghề”, chị Hiền nói.
Vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên
Trước đó, thông tin cắt bỏ phụ cấp thâm niên khiến phần lớn giáo viên, nhất là giáo viên đã giảng dạy lâu năm lo lắng, trăn trở và tiếc nuối.
Cũng như nhiều giáo viên lâu năm khác, anh Nguyễn Văn Hùng, giáo viên Trường THCS Lạc Long (Kinh Môn) cho biết khi biết thông tin từ ngày 1/7 sẽ bỏ phụ cấp thâm niên anh rất lo lắng. Suốt 22 năm công tác, ngoài việc đánh dấu một quãng thời gian dài cống hiến cho nghề dạy học, phụ cấp thâm niên còn giúp anh trang trải cuộc sống.
Với 22 năm công tác, anh Hùng đang hưởng phụ cấp thâm niên khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. Anh Hùng nhẩm tính từ ngày 1/7 tới sẽ hưởng khoảng 2,2 triệu đồng/tháng tiền phụ cấp thâm niên. Ngoài anh Hùng, còn nhiều giáo viên đã công tác lâu năm ở trường. Từ khi nghe thông tin không bỏ phụ cấp thâm niên cùng với tăng lương cơ sở khiến anh Hùng và đồng nghiệp vui mừng.
“Phụ cấp thâm niên không chỉ là đồng lương mà là sự ghi nhận những đóng góp của tôi cho ngành giáo dục. Tôi mong muốn được giữ lại khoản phụ cấp thâm niên này”, anh Hùng nói.
Hải Dương hiện có khoảng 27.000 giáo viên, cán bộ quản lý ở các trường công lập. Trong đó hàng nghìn giáo viên đang có thu nhập thấp hơn mức bình quân đầu người ở khu vực thành thị của tỉnh (5,7 triệu đồng/tháng). Nhiều giáo viên cho biết đó là niềm vui nhân ba vì ngoài tăng lương cơ sở, không bỏ phụ cấp thâm niên, những giáo viên mầm non và giáo viên có thu nhập thấp còn đang được tỉnh hỗ trợ từ 700.000 - 1 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ từ đầu tháng 1/2024 đến hết tháng 12/2025. Hải Dương là một trong số ít địa phương có chính sách hỗ trợ riêng cho giáo viên.
Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ. Theo đó, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.