Tăng lương lại lo tăng giá
Chính phủ đã đề xuất Quốc hội về tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024. Tuy nhiên, cùng với niềm vui lương tăng thì người dân cũng lo ngại lương chưa tăng, giá cả hàng hóa đã tăng trước.
Nếu được Quốc hội đồng ý, từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở của công chức, viên chức sẽ tăng 30%, lương hưu tăng 15%. Đối với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động cũng tăng 6% so với năm 2023. Đây là mức tăng lương cơ sở cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để bảo đảm mức sống cho người lao động.
Bạn tôi đang là viên chức ở một cơ quan thuộc UBND tỉnh Hải Dương, mức lương hằng tháng của chị hiện khoảng 7 triệu đồng. Khi biết thông tin từ ngày 1/7 lương cơ sở tăng, chị ước tính thu nhập của mình sẽ đạt hơn 9 triệu đồng. Mức thu nhập này cùng với hơn 10 triệu đồng lương hằng tháng của chồng, hai vợ chồng chị có thể bảo đảm trang trải cuộc sống. Tính toán là như vậy nhưng bạn tôi cũng lo ngại việc tăng lương cơ sở sẽ khiến giá hàng loạt mặt hàng tăng theo, nhất là những hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt hằng ngày.
Lo ngại của chị bạn tôi không phải không có cơ sở. Bởi thực tế những năm qua, mỗi khi Nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ sở, tăng lương tối thiểu vùng thì hàng loạt mặt hàng đã tăng giá trước hoặc ngay sau khi có quyết định tăng lương. Thậm chí lương tăng ít nhưng giá cả hàng hóa lại tăng nhiều hơn. Cụ thể, đợt tăng lương cơ sở gần đây nhất vào ngày 1/7/2023, từ mức 1 triệu 490 nghìn đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì ngay sau đó hàng loạt mặt hàng như điện, nước, gas, vật liệu xây dựng, thực phẩm, dịch vụ ăn uống... đều tăng từ 1 – 7,8% so với thời điểm trước ngày 1/7/2023 (số liệu của Tổng cục Thống kê). Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI cả nước tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này có 10/11 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số tăng, chỉ có 1 nhóm chỉ số hàng hóa giảm là viễn thông.
Mấy ngày nay, tại nhiều chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nhiều mặt hàng như thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, hải sản, rau xanh... đã được các tiểu thương, chủ chuỗi cửa hàng rục rịch tăng giá.
Vấn đề khác là người làm công ăn lương chưa kịp mừng thì cũng đã vội lo phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Bởi hiện nay mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập đã lạc hậu. Mức giảm trừ gia cảnh trong 10 năm qua vẫn giữ nguyên trong khi chi phí sinh hoạt, giá mặt hàng không ngừng tăng. Sự lạc hậu của cách tính thuế thu nhập cá nhân được phản ánh nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được điều chỉnh.
Dự kiến toàn tỉnh có hơn 35.000 công chức, viên chức được tăng lương. Trong đó, hơn 1.700 công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính và hơn 33.300 viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (không tính lực lượng vũ trang, các đơn vị thuộc ngành dọc). Việc tăng lương cơ sở nhằm bảo đảm đời sống công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, giá cả tiêu dùng tăng vượt quá mức kiểm soát thì không chỉ số người được hưởng lương bị ảnh hưởng mà còn tác động đến mọi người dân.
Để việc tăng lương thực sự góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say làm việc, rất cần cơ quan chức năng thực hiện tốt Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Thường xuyên nắm bắt diễn biến giá cả hàng hóa, tình hình cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu; tăng cường phối hợp quản lý giá, giữ thị trường hàng hóa ở mức bình ổn, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý trên địa bàn. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; xử lý các cơ sở kinh doanh, tiểu thương tăng giá hàng hóa bất hợp lý...
Khi giá cả hàng hóa được kiểm soát tốt, giải quyết bất cập trong giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế của cá nhân thì niềm vui của người lao động khi tăng lương mới thực sự trọn vẹn.