EU lần đầu tiên trừng phạt hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga
EU vừa thông qua gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga, theo đó cấm các dịch vụ vận chuyển LNG của Nga trên lãnh thổ những nước EU nhằm mục đích thực hiện các hoạt động trung chuyển sang nước thứ ba.
Ngày 24/6, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga, đánh dấu lần đầu tiên khối này áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu khí đốt của “Xứ bạch dương.”
Quyết định mới sẽ bổ sung thêm 116 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt, nâng tổng số lên hơn 2.200.
Đặc biệt, các hạn chế mới nhằm vào khí đốt của Nga nhằm mục đích làm giảm doanh thu từ xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này.
EU sẽ cấm các dịch vụ vận chuyển LNG của Nga trên lãnh thổ những nước EU nhằm mục đích thực hiện các hoạt động trung chuyển sang nước thứ ba.
EU ước tính khoảng 4-6 tỷ m3 LNG của Nga đã được vận chuyển đến các nước thứ ba thông qua những cảng của EU trong năm ngoái. Ngoài ra, sẽ có một điều khoản cho phép Thụy Điển và Phần Lan hủy bỏ một số hợp đồng LNG.
Gói trừng phạt mới sẽ có hiệu lực sau thời gian chuyển tiếp kéo dài chín tháng. Gói này cũng cấm các hình thức đầu tư và cung cấp dịch vụ mới để hoàn thành những dự án LNG đang được xây dựng ở Nga.
Trong khi đó, một số quốc gia Trung Âu vẫn có thể nhận khí đốt qua đường ống nối từ Nga sang Ukraine. EU đã cấm nhập khẩu dầu của Nga vào năm 2022 với một số miễn trừ hạn chế.
EU cũng hướng tới việc hạn chế hành vi gian lận bằng cách đưa ra nhiều hình phạt hơn ở cấp quốc gia thành viên đối với những đối tượng bị phát hiện vi phạm các quy định.
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cũng đề xuất mở rộng cái gọi là "Điều khoản không có Nga" được thông qua trong gói trừng phạt trước đó.
Biện pháp này sẽ khiến công ty con của các công ty EU ở nước thứ ba phải ký hợp đồng cấm tái xuất khẩu hàng hóa của họ sang Nga đối với hàng hóa có mức độ ưu tiên cao, bao gồm những mặt hàng có công dụng kép cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị bác bỏ theo yêu cầu của Đức.