Di chúc do ai xác nhận mới đủ cơ sở pháp lý?
Hỏi: Tôi năm nay 70 tuổi, muốn làm di chúc để lại căn nhà có sổ mang tên hai vợ chồng cho vợ tôi thì di chúc do ai xác nhận mới đủ cơ sở pháp lý?
NGUYỄN KHIÊM (TP Hải Dương)
Trả lời:
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi qua đời. Tuy nhiên, việc lập di chúc phải bảo đảm các điều kiện về nội dung và hình thức theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định, di chúc phải được lập thành văn bản nếu không thể lập bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng trước mặt 2 người làm chứng và ngay sau đó người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên, điểm chỉ.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người để lại di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng (điều 630 Bộ luật Dân sự)
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
Di chúc bằng văn bản có người làm chứng là trường hợp người lập di chúc không tự tay viết mà đánh máy hoặc có thể nhờ người khác đánh máy hoặc viết thì phải có ít nhất 2 người làm chứng.
Người lập di chúc ký tên, điểm chỉ trước mặt người làm chứng. Sau đó những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc (điều 634 Bộ luật Dân sự 2015).
Di chúc bằng văn bản có công chứng: Để công chứng di chúc thì người lập di chúc sẽ đến một tổ chức hành nghề công chứng yêu cầu công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của di chúc theo điều 56 Luật Công chứng năm 2014.
Di chúc bằng văn bản có chứng thực: Chứng thực di chúc được thực hiện tại UBND cấp xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND cấp xã theo quy định tại điểm e khoản 2 điều 5, điều 12 nghị định 23/2015/NĐ-CP.