Giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi ở Hải Dương phấn khởi
Giá lợn hơi tăng mạnh trong thời gian gần đây là niềm vui với người chăn nuôi ở Hải Dương. Tuy nhiên trong bối cảnh như hiện nay, người chăn nuôi cũng cần phải tính toán, tìm hiểu thị trường, cẩn trọng khi tái đàn.
Lãi cao
Trong năm 2023, giá lợn hơi xuất chuồng duy trì ở mức thấp, trung bình của cả nước là 53.800 đồng/kg. Trong khi giá thành 1 kg lợn hơi dao động từ 45.000-52.000 đồng/kg. Với mức giá trên, người chăn nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ. Bắt đầu sang năm 2024, giá lợn hơi có chiều hướng tăng, đặc biệt từ tháng 4 trở đi ghi nhận mức tăng mạnh, có thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 giá lợn hơi đạt mức 70.000 đồng/kg. Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhận định đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (kể từ tháng 10/2021) tại Hải Dương.
Theo anh Nguyễn Đắc Viêm, Giám đốc Công ty CP Giống và Thiết bị chăn nuôi Hưng Huy ở xã Định Sơn (Cẩm Giàng), thời điểm này, công ty đang nuôi 4.000 con lợn thịt, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp cung cấp ra thị trường khoảng 700-1.000 con lợn thịt. Hiện nay, mặt bằng chung của giá thức ăn chăn nuôi đã giảm khoảng 600-700 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí đầu vào giảm, trong khi giá lợn hơi tăng cao là niềm vui rất lớn đối với các hộ chăn nuôi. Bởi trong khoảng 2 năm gần đây, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá thu mua thấp. Anh Viêm cho biết: “Với mức giá dao động từ 68.000-70.000 đồng/kg lợn hơi, mỗi con lợn nặng 100 kg sẽ cho thu lãi từ 2,2-2,5 triệu đồng. Công ty CP Giống và Thiết bị chăn nuôi Hưng Huy chủ yếu cung cấp lợn thịt cho các tỉnh miền Bắc. Hiện nay, việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi". Anh Viêm dự đoán với diễn biến thị trường như hiện nay, giá lợn hơi có thể ổn định ở mức cao trong vài tháng tới.
Anh Vương Trọng Triều có 2 trang trại nuôi lợn tại xã Tứ Cường (Thanh Miện) và Quang Phục (Tứ Kỳ). Hiện nay, trang trại của anh có 800 con lợn thịt, trong đó có khoảng 300 con lợn đang trong giai đoạn xuất chuồng. Theo anh Triều, thông thường giá lợn hơi biến động theo chu kỳ 15-20 ngày/lần. Mức giá hiện nay dao động từ 67.000-68.000 đồng/kg. Thời gian tới, mức giá có thể biến động nhưng nhiều khả năng sẽ ổn định trên 65.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi thu lãi cao.
Giá lợn hơi tăng đã kéo theo giá con giống tăng. Nhiều năm nay, anh Phạm Văn Hùng ở xã Thăng Long (Kinh Môn) có trang trại cung cấp lợn giống. Mỗi tháng trung bình trang trại này cung cấp khoảng 800 con lợn giống. Hiện nay, giá lợn giống ở mức 1,9-2 triệu đồng/con (trọng lượng khoảng 7kg), tăng từ 400.000-500.000 đồng/con so với hồi đầu năm. Do giá lợn hơi tăng nên giá thịt lợn tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh đều tăng rõ rệt. Cụ thể, thịt mông 110.000 đồng/kg, nạc vai 120.000-130.000 đồng/kg, thịt ba chỉ từ 140.000-145.000 đồng/kg, xương sườn từ 130.000-145.000 đồng/kg… Các mức giá này tăng từ 15.000-20.000 đồng/kg so với đầu năm 2024.
Cẩn trọng khi tái đàn
Theo quy luật, giá lợn hơi thường sẽ giảm vào mùa hè khi nhu cầu của người tiêu dùng giảm so với thời tiết lạnh, nhiều bếp ăn tập thể tại các trường học đóng cửa khi học sinh nghỉ hè. Tuy nhiên, năm nay thị trường thịt lợn có những diễn biến trái quy luật. Đà tăng của lợn hơi xuất phát từ nguyên nhân nguồn cung không đủ cầu. Sau một thời gian bệnh dịch tả lợn châu Phi ở những địa phương chăn nuôi nhiều lợn khiến số lượng lớn lợn bị tiêu hủy, nhiều hộ, chủ trang trại chăn nuôi bỏ trống chuồng gây thiếu hụt nguồn cung trên phạm vi cả nước.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến đầu tháng 6, tổng đàn lợn của Hải Dương đạt 439.422 con, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó đàn lợn thịt đạt 299.820 con, tăng 5,2%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 5 ước đạt 5.955 tấn, tăng 5,2%. Tuy tổng đàn lợn thịt và sản lượng thịt xuất chuồng của tỉnh tăng nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Dù vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vẫn khuyến cáo ở thời điểm này người chăn nuôi cần cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng, căn cứ theo nguồn cung và yêu cầu của thị trường trước khi tái đàn hoặc mở rộng quy mô chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi nhỏ lẻ, tránh tình trạng tái đàn ồ ạt. Bởi thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, việc tái đàn ồ ạt có thể gây ra thế mất cân bằng cung cầu và khi đó người chăn nuôi lại phải chịu thua lỗ.
Khi thực hiện tái đàn, nông dân cần phải lựa chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy kiểm dịch. Thực hiện tiêm phòng vaccine đầy đủ, chăm sóc tốt, đúng quy trình, bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Liên kết tiêu thụ sản phẩm để chăn nuôi đạt hiệu quả...