Người phụ nữ đòi bồi thường vì "chỉ nhận lương mà không làm việc" suốt 20 năm
Một phụ nữ ở Pháp đã đâm đơn kiện công ty nơi mình làm việc vì hành vi quấy rối và phân biệt đối xử, bởi đã không cho cô làm việc gì trong suốt 20 năm, dù vẫn trả lương đầy đủ.
Dù “nhận lương mà không phải làm gì” là cuộc sống trong mơ của rất nhiều người, nhưng đối với Laurence Van Wassenhove, cựu nhân viên của công ty viễn thông Orange, điều này khiến cô thấy rất không thoải mái.
Nguyên nhân được cho là đến từ tình trạng sức khỏe của Laurence. Trợ lý nhân sự đã qua đào tạo này mắc nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm chứng động kinh và liệt nửa người. Cô cũng là mẹ của hai đứa con, mà một trong số chúng mắc chứng tự kỷ. Và mặc dù luôn nhận lương đầy đủ, cuộc sống hiện tại của cô vẫn không dễ dàng gì.
Và dù nhận lương đầy đủ trong 20 năm qua, Laurence vẫn cảm thấy khó mà chịu đựng được cảnh mình luôn phải đứng ngoài trong mọi việc, dù cho vị trí công việc hiện tại cô đang đảm nhận trên danh nghĩa khá phù hợp với tình trạng sức khỏe của cô.
Trước đây, cô làm nhân viên cho Orange, thời điểm đó có tên gọi là France-Télécom. Nhưng do điều kiện sức khỏe không bảo đảm, cô được đề nghị vị trí thư ký để phù hợp với thể trạng của cơ thể.
Sau khi Orange tiếp quản France-Télécom, vào năm 2022, Laurence đã yêu cầu được chuyển đến làm việc tại một trụ sở khác, và đó là nơi cô bắt đầu chuỗi ngày làm việc mà cô mô tả là “khủng khiếp,” kéo dài trong suốt hai thập kỷ.
Orange đã đưa ra một bản báo cáo y tế khẳng định vị trí công việc này không thích hợp với cô. Họ đưa cô vào chế độ chờ sắp xếp, sau đó đưa vào chế độ nghỉ ốm, để rồi đề nghị cô nghỉ hưu vì tình trạng bệnh tật của mình. Tuy nhiên, công ty này vẫn trả lương đầy đủ cho Laurence với tư cách là một nhân viên trong khi cô không được giao bất kỳ công việc nào.
Laurence tự gọi mình là “thư ký bị ruồng bỏ” và cho rằng Orange làm điều này để ép cô phải tự nghỉ việc.
Bà mẹ hai con này còn cáo buộc rằng vào năm 2015, sau khi khiếu nại với chính phủ và cơ quan cấp cao về chống phân biệt đối xử, Orange đã chỉ định một hòa giải viên đến làm việc với Laurence. Nhưng cho đến nay việc hòa giải không đạt được tiến triển.
Cô cảm thấy mình đang lãng phí thời gian và như bị cầm tù. “Được trả lương dù chỉ ở nhà không làm việc không phải là một đặc ân. Nó khiến tôi rất khó chịu.”
Luật sư của Laurence, David Nabet-Martin, tuyên bố cô bị trầm cảm do bị cô lập.
Ông Nabet-Martin nói: "làm việc, đối với người khuyết tật, có nghĩa là có một vị trí trong xã hội, và được công nhận. Công việc cũng giúp tạo ra các kết nối xã hội.”
Tuy nhiên, trong một tuyên bố trên tờ La Dépêche, Orange cho biết họ đã làm mọi cách để đảm bảo cho Laurence một điều kiện công việc tốt nhất, đồng thời cho biết đã tính đến cả “hoàn cảnh xã hội cá nhân” của cô.
Họ cũng cho biết công ty đã lên kế hoạch để Laurence quay trở lại làm việc ở một ví trí thích hợp, nhưng chưa thực hiện được vì cô thường xuyên nghỉ ốm.
Diễn biến trận chiến kéo dài hai thập kỷ của Laurence Van Wassenhove và Orange
1993: Laurence được France Télécom tuyển dụng làm công chức nhưng được đề nghị giữ chức vụ thư ký để phù hợp với điều kiện sức khỏe
2000: Orange tiếp quản France Télécom
2002: Laurence xin rời trụ sở ở Paris để chuyển đến khu vực khác.
2004: Orange tiến hành báo cáo y tế khẳng định vị trí này không phù hợp với Laurence. Cô được đưa vào chế độ chờ, sau đó nghỉ ốm, trước khi được đề nghị nghỉ hưu vì tình trạng sức khỏe của mình.
2015: Laurence khiếu nại với chính phủ sau đó được chuyển đến Cơ quan cấp cao về cuộc chiến chống phân biệt đối xử. Một nhân viên hòa giải được do Orange chỉ định đã đến làm việc với Laurence.
2015 đến 2023: Laurence cho biết cô rơi vào trạng thái trầm cảm nghiêm trọng vì bị cô lập trong nhà.
2023: Luật sư của Laurence, Me David Nabet-Martin gửi cho Orange một thông báo đề nghị sắp xếp cho cô một vị trí công việc hoặc khoản bồi thường phù hợp. Tuy nhiên, ông đã không nhận được phản hồi
2024: Laurence nộp đơn khiếu nại về hành vi quấy rối và phân biệt đối xử tại nơi làm việc liên quan đến tình trạng sức khỏe của cô.