Phóng viên ảnh Phương Hoa: Nhiếp ảnh là nghệ thuật của cái nhìn
Gần 20 năm làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam, phóng viên ảnh Phương Hoa được thỏa đam mê của mình, đặt chân đến nhiều vùng đất, ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống.
Từ khi còn là học sinh trung học, chị Phương Hoa (quê ở huyện Ninh Giang) đã mơ ước trở thành phóng viên để được đi đây đó, tìm hiểu về những điều mình chưa biết, thỏa đam mê du lịch. Sau khi tốt nghiệp THPT, được tuyển thẳng vào đại học, chị đã chọn Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Năm 2 đại học, biết thông tin Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội mở lớp nhiếp ảnh đầu tiên, chị đã thi tiếp và học song song hai bằng báo chí, nhiếp ảnh.
Học nhiếp ảnh, bắt buộc mỗi sinh viên đều phải có máy ảnh. Khi ấy chị Hoa được người anh mua cho chiếc PRAKTICA cũ của Đức với giá 500.000 đồng, chụp phim, lấy nét hoa dâu. Đó là chiếc máy ảnh bên chị suốt thời sinh viên, đến giờ chị vẫn giữ làm kỷ niệm. Lúc mới vào nghề, chị phải học những bài học đầu tiên, từ nối phim để chụp sao cho tiết kiệm, chọn góc độ, chủ đề, nhân vật, đến các bài tập tráng phim, rửa ảnh trong phòng tối...
“Lúc học nhiếp ảnh tôi nhận ra mình hứng thú với việc ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Mọi thông điệp mình muốn truyền tải đều nằm trên một khuôn hình, thông qua góc độ mình tiếp cận. Có lẽ nghề đã chọn tôi”, chị Phương Hoa chia sẻ.
Tốt nghiệp đại học, chị thi vào Thông tấn xã Việt Nam và bắt đầu làm việc ở Ban Biên tập ảnh từ đó đến nay.
Khi mới vào làm ở Ban Biên tập ảnh, chị phụ trách mảng văn hóa - xã hội, được thỏa sức đi và tìm hiểu những vùng miền chưa từng biết tới. Có những nơi như tộc người Đan Lai ở Vườn Quốc gia Pù mát (Nghệ An), tộc người Chứt ở bản Rào Tre (Hương Khê, Hà Tĩnh)... người dân vẫn còn ở trần, đóng khố. Chị đã ghi lại được những hình ảnh ấy và sau này trở thành tư liệu lịch sử.
Sau này, chị chuyển sang lĩnh vực ảnh nội chính - ngoại giao, đòi hỏi phóng viên phải có nhãn quan chính trị, khi tham gia vào các sự kiện lớn mang tầm quốc gia cần tập trung cao độ, không để có sai sót nào xảy ra. Theo chị Hoa, dù ở lĩnh vực nào, phóng viên ảnh cũng cần có tư duy, quan sát nhạy bén và óc phán đoán.
Công việc phóng viên ảnh đòi hỏi sự nhanh nhạy và sức khoẻ bền bỉ. Mỗi lần đi tác nghiệp thường chị mang từ 10 - 15 kg máy móc, tuỳ từng sự kiện. Đặc biệt là các chuyến tác nghiệp nước ngoài, chị phải cạnh tranh với hàng trăm phóng viên đến từ các nước thì chỉ có sự nhanh nhạy và kiên trì chiến thắng chứ không có sự ưu tiên nào dành cho nữ.
Theo chị Hoa, để trở thành một phóng viên ảnh giỏi phải có trí tuệ, kỹ năng và cảm xúc. Trí tuệ là phải có kiến thức rộng được tích luỹ hằng ngày, nhạy cảm, sâu sát với đời sống, nắm bắt sự kiện và vấn đề nhanh. Đối mặt với sự kiện, khác với phóng viên viết, phóng viên ảnh chỉ có một khoảnh khắc duy nhất để thể hiện được bản chất của sự kiện ở thời điểm điển hình của nó, nếu bỏ qua là thất bại. Kỹ năng là phải làm chủ được chiếc máy ảnh, hiểu biết các tính năng, sử dụng thành thạo các kỹ thuật tạo hình nhiếp ảnh: ánh sáng, màu sắc, đường nét, góc độ, bố cục, độ nét… Để lựa chọn được những khoảnh khắc đặc trưng nhất, tìm được góc độ thích hợp nhất, phóng viên ảnh phải có khả năng quan sát, phát hiện đối tượng chụp một cách nhanh nhất. Khả năng ấy phải được rèn luyện hằng ngày để trở thành phản xạ nghề nghiệp. Nhiếp ảnh là nghệ thuật của cái nhìn. Và một bức ảnh báo chí tốt còn phải mang tới cảm xúc cho người xem.
Đã từng được tác nghiệp ở nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII, các kỳ họp Trung ương Đảng, họp Quốc hội hay lễ đón nguyên thủ các nước lớn thăm Việt Nam… nhưng có lẽ bộ ảnh “Sức sống Trường Sa” để lại ấn tượng nhất với chị. Đó là lần đầu tiên chị được ra Trường Sa năm 2009, vào dịp Tết.
Chị Hoa nhớ lại: “Thường thì vào dịp Tết phóng viên nữ không được đi vì đó là mùa biển động, chuyến đi vất vả dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhưng tôi cố xin đi bằng được vì muốn được ra Trường Sa, muốn được ghi lại hình ảnh của bộ đội trên đảo”. Bộ ảnh “Sức sống Trường Sa” sau chuyến đi đó đã được giải B (giải cao nhất thể loại ảnh báo chí) Giải Báo chí quốc gia năm 2010.
Ngoài ra, chị còn từng giành nhiều giải thưởng khác như giải A Giải thưởng thông tin đối ngoại toàn quốc năm 2020, giải B, C Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng các năm 2019, 2020, 2021…
Đến nay, chị đã đi hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nơi nào đặt chân đến cũng cho chị thêm kiến thức về địa lý, văn hoá và con người. Trước kia, khi đi đến tỉnh nào chị cũng thuê một chiếc xe máy để rong ruổi khắp nơi, vừa đi vừa chụp ảnh. Những kiến thức từ trải nghiệm thực tế là cái được lớn nhất mà nghề báo mang lại cho chị.
Gần 20 năm làm nghề, chị Hoa đặc biệt tâm đắc với câu nói “một bức ảnh có sức nặng hơn cả ngàn con chữ”, cho thấy sức mạnh thông tin trong một bức ảnh báo chí giá trị như thế nào. “Ảnh là tĩnh nhưng những gì ta nhìn thấy trong bức ảnh lại là sự chính xác và trung thực. Chính vì vậy, một bức ảnh báo chí có thể thừa hoặc thiếu chi tiết, nhưng điều đó không quan trọng miễn đó là những bức ảnh chân thực ghi lại những khoảnh khắc mà đôi khi chỉ có duy nhất người chụp được thấy”, phóng viên Phương Hoa nói.
Hiện nay, chị Hoa đang là giảng viên thỉnh giảng môn ảnh báo chí tại Khoa Nhiếp ảnh, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Chị vẫn khuyên sinh viên ngoài học một chuyên ngành nhiếp ảnh, cần học thêm các kỹ năng khác như viết tin bài, quay, dựng video, thiết kế đồ họa, sử dụng các phần mềm xử lý ảnh và ngoại ngữ. Trau dồi các kỹ năng có tính liên kết với nghề nghiệp mình lựa chọn để khi ra trường đi làm cần gì cũng có thể làm được.