Năm thứ 3 liên tiếp Báo Hải Dương đoạt Giải Báo chí quốc gia
Tối 21/6, đúng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023 diễn ra trọng thể tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
Đến dự lễ trao giải có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII Lê Quốc Minh.
Cùng dự có lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành trung ương và TP Hà Nội; các tác giả, đại diện nhóm tác giá có tác phẩm đoạt giải.
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi đến các thế hệ nhà báo, người làm báo, công chúng báo chí trong, ngoài nước những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; xin chúc các nhà báo lão thành, cán bộ, người làm báo cả nước sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thắng lợi trong công tác, cuộc sống.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với mục tiêu cao quý, thiêng liêng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trải qua 99 năm ra đời, phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã thể hiện rõ nét vai trò vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, ngọn cờ cách mạng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vượt qua mọi khó khăn thử thách, không quản gian khó, hy sinh, sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, các thế hệ nhà báo đã chung sức, đồng lòng xây dựng nên nền báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, của dân; cầu nối tin cậy của nhân dân với Đảng và Nhà nước; cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân ta với bạn bè quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 99 năm qua.
Chủ tịch nước chúc mừng 122 tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - giải thưởng cao quý nhất của Hội Nhà báo dành tặng các tác phẩm báo chí, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất năm 2023.
Chủ tịch nước cũng nêu rõ, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, cũng hết sức vẻ vang đối với báo chí và đội ngũ những người làm báo trong tuyên truyền, tạo sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Chủ tịch nước đề nghị tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, “vừa hồng, vừa chuyên”; kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.
Chủ tịch nước cũng đề nghị phát huy cao độ vai trò của báo chí - công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, thực sự là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng.
Cùng với đó, khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần; không ngừng khơi dậy, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, ý thức tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực vươn lên cho sự phát triển của đất nước.
Tại Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII, tác phẩm “Cống Sồi mang nguồn rươi mới” thuộc loại hình báo điện tử của các tác giả Nguyễn Mơ-Thành Chung, Báo Hải Dương đoạt giải khuyến khích. Đây là năm thứ ba liên tiếp, Báo Hải Dương có tác phẩm đoạt Giải Báo chí quốc gia.
Tác phẩm “Cống Sồi mang nguồn rươi mới” là sản phẩm báo chí đa phương tiện phản ánh niềm vui, sự phấn khởi của nông dân xã An Thanh (Tứ Kỳ) khi cống Sồi mới được xây dựng, dẫn nguồn nước lợ khu vực hạ lưu sông Thái Bình vào trong đồng để “nuôi dưỡng” con rươi vốn là đặc sản tự nhiên của vùng đất này. Con rươi không chỉ mang lại thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá cho người dân An Thanh mà nó còn là thành quả cho những nỗ lực gây dựng nền nông nghiệp xanh của chính quyền và người dân.
Trước đây, nông dân xã An Thanh chỉ khai thác rươi ngoài bãi sông Thái Bình. Để bảo vệ, gìn giữ nguồn rươi tự nhiên, nông dân ý thức bảo vệ môi trường sống cho rươi bằng các biện pháp canh tác sạch, hữu cơ. Điều người dân ở đây luôn trăn trở là ngày trước khi cống Sồi cũ chưa bị lấp, nguồn nước lợ được dẫn vào trong đồng, xắn đất lên là thấy rươi. Từ khi cống Sồi cũ lấp đi để phục vụ yêu cầu phòng chống thiên tai, người dân lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để canh tác, con rươi, con cáy dần mất đi. Do đó nông dân An Thanh luôn khao khát cống Sồi được xây mới. Ngày đầu tiên cống Sồi mới đưa nước vào đồng chính là khởi đầu cho những ước mong, khát vọng về một nền nông nghiệp xanh. Bắt đầu là con rươi, về sau sẽ là cả vùng nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch mà nông dân, chính quyền địa phương đang dần hiện thực hóa.
Tác phẩm “Cống Sồi mang nguồn rươi mới” lan tỏa những giá trị của nông nghiệp hữu cơ, sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và người dân trong xây dựng nông nghiệp xanh. Tác phẩm muốn truyền tải thông điệp để làm nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ không nhất thiết phải bằng việc to tát, lớn lao mà chỉ cần từ những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực nhưng sẽ mang lại hiệu quả không ngờ.
Đây cũng là lần thứ ba trong năm nay Báo Hải Dương có tác phẩm đoạt giải ở những giải báo chí quan trọng nhất, uy tín nhất. Trước đó, hồi đầu năm, Báo Hải Dương có tác phẩm đoạt giải khuyến khích Giải Diên Hồng lần thứ hai. Đó là loạt bài “Làm gì để thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã?”. Đây là lần đầu tiên Báo Hải Dương có tác phẩm đoạt Giải Diên Hồng. Giải được trao nhân kỷ niệm 78 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2024).
Tiếp đó, nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2024), tại lễ trao Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII (năm 2023) – Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng, Báo Hải Dương giành 1 trong 6 giải chuyên đề (tương đương giải C) cho tác phẩm xuất sắc về phát hiện tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là tác phẩm "75 năm hai vợ chồng người đảng viên sắt son với Đảng".
Tại Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII, Ban Tổ chức đã trao 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải khuyến khích.
Giải Báo chí quốc gia hằng năm là sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà; tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm.
Giải năm nay tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của 21 liên chi hội và 30 chi hội trực thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố...
Năm nay có 1.905 tác phẩm được gửi về tham dự giải, trong đó có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện theo quy định. Trong đó có 165 tác phẩm vào chung khảo.
Theo đánh giá của Hội đồng Giải, các tác phẩm dự giải đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các mặt của đời sống trong năm 2023. Báo chí đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện lớn, các vấn đề quan trọng của đất nước, với những mảng đề tài nổi bật như: Nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020-2030; Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Các tác phẩm cũng nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc; về văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng các thiết chế văn hóa tại cộng đồng; bảo vệ các giá trị văn hóa trong thời kỳ mới; về bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các vấn đề xã hội nóng như: vụ khủng bố tại Đắk Lắk, chống tham nhũng trong ngành đăng kiểm, hệ lụy của chung cư mini, nạn cắt xén bữa ăn bán trú của học sinh, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu… cũng được quan tâm thông tin.
Cùng với đó là những tác phẩm viết về những tấm gương người tốt việc tốt, những cán bộ “6 dám” nơi đất khó, những cô giáo dân tộc, những sứ giả đại ngàn… với nghĩa cử cao đẹp, có tính thuyết phục, lay động lòng người.
Nhìn chung, các tác phẩm tham dự giải năm nay có chất lượng tốt. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan toả, ảnh hưởng trong xã hội. Nhiều tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, công phu, có bố cục chặt chẽ, cách thức thể hiện gần gũi, sinh động, hấp dẫn người đọc.
Điểm nổi bật năm nay chính là các sản phẩm báo chí đa phương tiện được đầu tư công phu, hấp dẫn. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện và các hình thức báo chí sáng tạo nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận của công chúng. Ngoài các cơ quan báo chí ở Trung ương, một số báo, đài địa phương cũng có thay đổi trong cách chọn chủ đề, đề tài và triển khai theo phương thức mới mẻ, hiện đại, được đánh giá cao cả về chất lượng và hình thức thể hiện. Có thể thấy, qua mỗi mùa giải, chất lượng tác phẩm dự thi càng ngày càng tốt hơn, khoảng cách giữa báo chí trung ương và báo chí địa phương ngày càng được thu hẹp.
Bước sang năm thứ 18 – đồng thời là năm thứ 99 báo chí cách mạng Việt Nam, uy tín của Giải Báo chí quốc gia tiếp tục được khẳng định vững chắc.