Danh nhân

Một chi họ Vũ làng Mộ Trạch (Hải Dương) 3 đời liên tiếp có người đỗ tiến sĩ

TÂM HÀ 20/06/2024 16:56

Làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang (Hải Dương) nổi tiếng là đất khoa bảng, được mệnh danh là “Làng tiến sĩ” hay “Lò tiến sĩ xứ Đông”.

Nhà thờ “Thế khoa đường”- chi cụ tổ Vũ Bạt Tuỵ, 3 đời đỗ tiến sĩ
Nhà thờ “Thế khoa đường”, chi cụ tổ Vũ Bạt Tụy có 3 đời đỗ tiến sĩ

Người dân địa phương cho biết, làng Mộ Trạch có nhiều dòng họ như: Vũ, Lê, Nhữ, Nguyễn, Tạ, Cao, Đương, Trương... Trong đó, số người mang họ Vũ chiếm tỷ lệ cao nhất 87,3%, đồng thời đây cũng là dòng họ nổi tiếng cả nước về khoa bảng.

Theo các tư liệu nghiên cứu, chỉ tính từ năm 1304 đến năm 1754, trong khoảng 450 năm, Mộ Trạch đã có 36 người đỗ tiến sĩ: 4 người họ Lê, 1 người họ Nhữ, 1 người họ Nguyễn, 30 người họ Vũ. Trong số này, có một người làm tể tướng, 4 người làm bồi tụng, 14 người làm thượng thư, 5 người làm quận công...

Theo Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sử tích, cụ Thủy tổ là Vũ Hồn, người huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) làm quan đời Đường Kính Tông sau sang làm Đô hộ sứ nước ta rồi sinh cơ, lập nghiệp ở làng Mộ Trạch, con cháu về sau nhiều người hiển đạt và trở thành dòng họ lớn của vùng đất này. Cuốn Tộc phả họ Vũ (Võ) thế kỷ IX-XIX có ghi chép phả hệ họ Vũ làng Mộ Trạch từ đời thứ nhất đến đời thứ 5, khi bắt đầu hình thành “ngũ chi, bát phái” (5 chi, 8 phái). Gia phả có chép phả hệ chi 5, từ đời thứ 5 - cụ khai tổ Vũ Phong đến đời thứ 10 bắt đầu hình thành hậu ngũ chi. Đặc biệt chi thứ 2 (hậu ngũ chi) có 3 thế hệ cha, con, ông cháu cùng đỗ tiến sĩ dưới thời Lê - Trịnh.

Người đỗ đại khoa đầu tiên của chi thứ 2 (hậu ngũ chi) là Vũ Bạt Tụy – người con trai thứ 2 của của cụ Vũ Quốc Sĩ (đời thứ 9). Ông sinh năm Nhâm Dần (1602), niên hiệu Hoằng Định thứ 3 đời vua Lê Kính Tông. Khi còn nhỏ được cha hỏi về chí hướng, ông cùng em là Cầu Hối đều nguyện theo nho học, cha bèn nguyện cho hai ông đi học, lớn lên thành người có học vấn sâu sắc. Năm Đinh Mão (1627), 26 tuổi, ông đỗ hương cống. Năm 33 tuổi, ông đỗ đình nguyên, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long 6 (1634). Chính ông là người khai hoa vào thời lê Trung Hưng cho làng Mộ Trạch. Ông từng trải các chức Hàn lâm, Lại khoa Đô cấp sự chung, rồi vào phủ chúa làm Bồi tụng, sau được thăng Thượng bảo Tự khanh, Huân Trạch Bá, hiệu là Thần Đạt Vũ Đài công.

Con trai trưởng của ông là Vũ Duy Đoán và cháu nội của ông là Vũ Duy Khuông đều đỗ Tiến sĩ, 3 đời kế thế đăng khoa nên về sau được vua ban sắc cho từ đường hai chữ “thế khoa” (nối đời đỗ đạt). Ông chính là Thủy tổ của chi 2 họ Vũ làng Mộ Trạch.

Vũ Duy Đoán là trưởng nam của cụ Vũ Bạt Tụy. Theo Tộc phả họ Vũ (Võ) thế kỷ IX-XIX ông sinh năm Ất Sửu (1625) cũng có sách ghi ông sinh năm 1621. Lúc bé nhác học, thường không thuộc bài, lớn lên biết suy nghĩ, chịu khó học tập, học đâu nhớ đấy. Khoa Tân Mão (1651), lần đầu ông đi thi hương, đỗ ngay giải nguyên, văn chương bắt đầu nổi danh ở đời. Khoa Giáp Thìn (1664) đỗ đồng Tiến sĩ năm 40 tuổi, làm quan tới chức Thượng thư Bộ Công.

Vũ Duy Đoán được chúa Trịnh tin dùng mà không nịnh hót, không lợi dụng lòng tốt của chúa để mưu lợi riêng. Chúa ham xem chọi gà và đánh bạc, thích nghe lời nịnh hót, ông làm kim sách (sách vàng) bằng quốc âm, thẳng thắn phê bình, can ngăn chúa, được chúa khen. Có lần chúa bỏ buổi chầu đi xem chọi gà. Có người nịnh ý chúa đem gà tốt đến dâng, ông cũng có mặt ở đấy. Ông đỡ lấy gà quan sát, rồi dơ tay, nâng gà lên, vật gà xuống đất thật mạnh, gà giãy đành đạch chết ngay, mọi người ai cũng sợ hãi, chúa bỏ đi, buổi chọi gà tan.

Chúa sai ông và tiến sĩ Vũ Công Đạo đi nhận tù binh họ Mạc. Công văn giao lệnh, chiều ý một hoạn quan, viết tên 2 ông, lúc ấy là thượng thư cả, dưới tên hoạn quan. Hai ông dập đầu giãi bày, yêu cầu viết lại văn bản cho đúng kỷ cương. Trịnh Tạc tức giận bảo rằng: “ngày trước vật chết gà hay của ta, ta ngơ đi không nói, nay còn quá quắt như thế sao?”

Vì nói thẳng làm phật lòng chúa Trịnh nên ông ông và Vũ Công Đạo bị bãi chức. Hai ông trả lại tất cả, riêng không trả lại bằng Tiến sĩ. Hai ông nói với sứ đến thu bằng sắc rằng: “Các đạo sắc mà nhà vua ban cho tôi xin trả lại, còn bằng Tiến sĩ là công lao học hành của tôi, tôi xin giữ lại”. Tuy bị cách chức mà trong triều ai cũng phục tùng khí tiết của hai ông.

Sau khi bị bãi chức, ông về quê dạy học và chuyên tâm sáng tác văn học. Ông lập ra quán Kỳ Anh (nơi đầu làng, gần cổng nam) cùng đàm đạo văn chương với các cụ và dạy học. Ông sáng tác bài phú Phạm Lãi chơi Ngũ Hồ và các tác phẩm phong cảnh làng Mộ Trạch, nông gia khảo tích, Dị Văn Kí ... bằng chữ Nôm được nhiều người truyền tụng. Ông tuy từ bỏ quốc sự, nhưng người ở triều đình và nơi thôn dã đều nể trọng tiếng tăm của ông. Về sau chúa Trịnh hối lại, khôi phục chức tước cho ông. Ông mất tại quê nhà, được triều đình truy tặng Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Bá.

Cháu nội của cụ Vũ Bạt Tuỵ là Vũ Duy Khuông, con trai trưởng của Vũ Duy Đoán, thuở nhỏ theo học Vũ Công Đạo, đi thi một lần đỗ ngay hương cống, lại đỗ Tiến sĩ khoa Sĩ vọng. Khoa Canh Tuất (1670), 27 tuổi đỗ tiến sĩ, bề trên nhớ công cha nên yêu mến, cho nhận chức Giám sát ngự sử, sau thăng Đốc đồng Kinh Bắc, lại quyền Tri thủy quân, vào phủ chúa làm Bồi tụng, rồi được sai lên cửa ải biên giới đợi mệnh. Tại đây, ông có làm nhiều bài thơ xướng họa cùng với quan đồng triều là Phó đô ngự sử Trần Thọ (người xã Điền Trì, huyện Chí Linh, nay thuộc huyện Nam Sách) và sứ Bắc Canh Hòa cùng các trước. Ngày trở về ông bị bệnh mất, làm quan đến cấp Sự lễ khoa, được tặng Tham chính, tước Yến Khê Nam, hiệu là Du Phương.

Các cụ cao niên trong chi 2, họ Vũ cho biết: Nhà thờ do chính cụ Thủy tổ Vũ Bạt Tụy xây dựng từ thời lê Trung Hưng. Với truyền thống nối tiếp nhau đỗ đạt và có nhiều công lao với dân, với nước, để ghi nhớ công ơn của một gia đình đại khoa, nên về sau vua ban sắc cho từ đường hai chữ “thế khoa” (nối đời đỗ đạt).

Tấm bia “Tiểu tông thế khoa đường ký”
Tấm bia “Tiểu tông thế khoa đường ký”

Cửa từ đường bên phải có dựng tấm bia “Tiểu tông thế khoa đường ký” (bia ghi lại những người chi dưới trong dòng họ đỗ đạt qua các đời) dựng năm Vĩnh Trị nguyên niên (1676).

Mặt sau bia có khắc hai bài thơ đường luật bằng chữ Nôm có nội dung kể về sự kế thế đăng khoa của 3 đời ông-cha-con họ Vũ:

“Ông đến cha, con kể mới ba

Mừng thay nối được đăng khoa

Người đà trước nọ nhuần hơn nước

Ta lại sau này rạng nghiệp nhà...”

Từ đường hiện nay nằm trên đất của gia đình ông Vũ Duy Tùng (hiện là trưởng chi).

Từ đường đã trải qua nhiều lần tu sửa, đợt trùng tu sửa gần nhất là vào năm 1994. Ba vị Tiến sĩ kế thế đăng khoa xứng đáng là tấm gương sáng tiêu biểu cho truyền thống hiếu học và khoa cử.

Tiếp nối truyền thống hiếu học, khoa bảng của tổ tiên, họ Vũ làng Mộ Trạch luôn quan tâm, chăm lo con em học hành. Vì vậy, dòng họ Vũ làng Mộ Trạch nói chung và hậu chi 2 nói riêng có nhiều người đỗ đạt thành danh và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội.

TÂM HÀ