Philippines yêu cầu Trung Quốc trả súng sau vụ đối đầu trên Biển Đông
Philippines yêu cầu bồi thường sau khi cáo buộc hải cảnh Trung Quốc dùng dao uy hiếp, gây thương tích đoàn tiếp vận trên Biển Đông, thu 7 khẩu súng trường.
Quân đội Philippines ngày 20/6 cáo buộc lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) đã sử dụng "vũ khí lạnh" như dao, búa, rìu khi đụng độ với xuồng tiếp vận của hải quân nước này gần Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông hôm 17/6.
Tư lệnh quân đội Romeo Brawner cho biết thành viên CCG áp sát, lao lên xuồng Philippines, tấn công thủy thủ và tịch thu súng của quân nhân Philippines.
"Chúng tôi đang yêu cầu phía Trung Quốc trả lại súng và trang thiết bị. Họ phải bồi thường cho mọi thiệt hại đã gây ra. Họ phải bồi thường vì chúng tôi sẽ không để yên cho họ phá hủy và tịch thu trang thiết bị", ông nói.
Philippines lên án hành động của hải cảnh Trung Quốc "không khác gì cướp biển", trong khi giới chức Trung Quốc khẳng định lực lượng tại thực địa đã "hết sức kiềm chế".
Tướng Alfonso Torres, chỉ huy Bộ tư lệnh miền Tây Philippines (Wescom), lực lượng hai nước chạm trán vào khoảng 6h hôm 17/6, khi quân đội Philippines đang triển khai 6 phương tiện, trong đó có hai xuồng cao tốc, mang hàng hóa tiếp tế cho chiến hạm BRP Sierra Marde tại bãi Cỏ Mây. Đội hình ngăn cản của phía Trung Quốc có 8 xuồng cao tốc, tập trung nhắm vào hai xuồng Philippines.
Phương tiện của CCG sau đó tông vào xuồng cao tốc của Philippines với tốc độ cao, gây va chạm khiến sĩ quan Jeffrey Facundo, thành viên Nhóm Đặc nhiệm Hải quân (NSOG), đứt lìa ngón cái bàn tay phải.
Trong lúc xô xát giữa hai nhóm xảy ra, nhân viên hải cảnh Trung Quốc "cố tình" dùng dao và vật nhọn đâm thủng xuồng Philippines, phá hỏng động cơ. Phía Trung Quốc cũng sử dụng hơi cay, còi và đèn chớp công suất lớn để "tạo hỗn loạn, cản trở liên lạc và gây phân tâm quân nhân Philippines, nhằm khuếch đại tính chất thù địch và nguy hiểm của sự việc", Torres cho hay.
Tướng Torres xác nhận hải cảnh Trung Quốc đã thu 7 khẩu súng trường M4 được quân nhân Philippines cất trong thùng trên xuồng. Ông cho hay số súng này đang trong tình trạng "chưa được lắp ráp", vì quân nhân Philippines từ đầu không có ý định sử dụng chúng trong chuyến tiếp vận.
"Tôi bác bỏ những nhận định rằng quân nhân Philippines để mặc cho nhân viên CCG tịch thu trang thiết bị và phá hỏng phương tiện. Chúng tôi đã kháng cự, nhưng phải chịu một số hạn chế. Chúng tôi có mang theo súng nhưng đã không sử dụng. Philippines không muốn châm ngòi chiến tranh", ông Brawner nhấn mạnh.
Đây là lần đầu tiên CCG mang theo vũ khí sắc nhọn để uy hiếp quân nhân Philippines và làm một số người bị thương trong các cuộc chạm mặt trên Biển Đông. Torres cho hay quân nhân Philippines không mang theo vũ khí loại này và phản kháng bằng tay không.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào ngày 19/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định nhân viên CCG đã ngăn cản "hoạt động vận chuyển trái phép" của Phililippines trên vùng biển và nhấn mạnh CCG "không có bất kỳ đụng độ trực diện nào" với quân nhân Philippines.
"Những biện pháp thực thi pháp luật của CCG tại thực địa đều chuyên nghiệp và kiềm chế", ông nói.
Trước đó, CCG cũng ra thông cáo cho rằng Philippines là phía "chịu toàn bộ trách nhiệm" trong sự việc ngày 17/6 vì không phản hồi "những cảnh báo liên tiếp từ Trung Quốc, tìm cách áp sát nguy hiểm một tàu Trung Quốc đang di chuyển bình thường, có hành động thiếu chuyên nghiệp dẫn đến va chạm".
Bãi Cỏ Mây là thực thể nửa nổi nửa chìm trên Biển Đông và hiện do Philippines kiểm soát. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với thực thể này.
Quân đội Philippines sử dụng tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre ủi vào bãi Cỏ Mây từ năm 1999 và biến nó thành tiền đồn để duy trì hiện diện. Trên tàu có đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.
Cảnh sát biển Philippines khi thực hiện các đợt tiếp tế cho lực lượng đồn trú và ngư dân gần bãi Cỏ Mây gần đây đã liên tục chạm mặt, đối đầu với hải cảnh Trung Quốc. Philippines cho hay tàu công vụ Trung Quốc thường sử dụng vòi rồng để ngăn cản hoạt động tiếp vận của Manila cho binh sĩ trên bãi Cỏ Mây.