Sự ngộ nhận và chuyến “công tác” đầu tiên
Để có thông tin cho những bài báo thì phải lăn lộn, nghề báo hoàn toàn không phải là “đi du lịch miễn phí”.
Tôi thích ngành báo, nhưng năm đầu thi trượt đại học. Vì thế tôi đi học một trường trung cấp du lịch để nhanh được đi làm, kiếm tiền trang trải. Tốt nghiệp trung cấp du lịch, vừa viết thơ, viết văn, tôi vừa cộng tác với một số mục nhỏ ở vài tờ báo. Khi đó, tôi ngộ nhận rằng trở thành nhà báo thì được đi nhiều, thậm chí được đi du lịch miễn phí.
Còn nhớ năm 2003, khi đang làm việc cho một quán cà phê ở Hà Nội, tôi đã ao ước được đi… công tác để tìm hiểu thực tế. Năm đó, tôi mới chỉ có chiếc xe đạp. Tôi đã xin bà chủ cho nghỉ một tuần.
Tôi đạp xe thẳng lên TP Bắc Ninh tìm hiểu về đời sống của một nhóm người khiếm thị đang mở cơ sở tẩm quất kiếm sống. Sau đó, tôi lại hỏi đường về Phả Lại (Chí Linh). Ngày còn học phổ thông, tôi được biết đến Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại trên báo, nên lần này thử đi nhìn bên ngoài xem nhà máy to lớn ra sao.
Thẳng đường, tôi đi tiếp đến Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc để tham quan. Năm đó, tôi trọ ở một gia đình bán hàng lặt vặt. Với niềm yêu thích khám phá, tôi đạp xe rong ruổi qua nhiều xóm làng ở Chí Linh, rồi sang cả huyện Nam Sách.
Trên đường đi, ập vào tôi là cảm xúc sung sướng khi gặp sông Kinh Thầy - một con sông nổi tiếng đã đi vào thơ ca. Thi thoảng hai bên đường, tôi bắt gặp những cánh đồng lúa bát ngát và những quả đồi thấp, trông như cái bát úp trên đồng. Thuận đường, tôi tìm về thôn Vô Ngại, xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) để thăm một người bạn nữ mà tôi quen qua thư. Nghỉ ở nhà bạn một đêm, sáng hôm sau tôi lại rong ruổi xe đạp về Khoái Châu (Hưng Yên) để tìm hiểu về “vựa” chuối ven sông. Xong việc, lại qua phà để về Phú Xuyên (Hà Nội) tiếp tục công việc của một nhân viên bưng bê trong quán cà phê.
Chuyến đạp xe về Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nổi tiếng của tỉnh Hải Dương và những vùng quê ở Hải Dương, Hưng Yên đã cho tôi rộng mở tầm mắt. Song cũng cho tôi “tỉnh ra” rằng để có thông tin thì phải lăn lộn, hoàn toàn không phải là “đi du lịch miễn phí”. Công việc làm báo chẳng đơn giản như tôi vẫn nghĩ.
Thật mừng là sau chuyến đi đó, thành quả là 5 bài viết của tôi lần lượt được xuất hiện trên báo.
Một chuyến đi khó khăn đầu đời khi còn chưa được học ngành báo, đã cho tôi trải nghiệm, đúc rút được nhiều điều, để rồi năm 2005, khi thi đỗ vào Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) tôi càng thích đi, dấn thân để làm một nhà báo. Cuộc sống sôi động ở các vùng miền, những thân phận, những cảnh đời, những vẻ đẹp chưa được khai thác hay cả những vẻ đẹp đang bị bức tử… đều hấp dẫn, thôi thúc tôi lên đường.