Triển lãm 130 tranh của người làm báo
Tám họa sĩ - nhà báo giới thiệu 130 tranh phong cảnh, chân dung nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Sự kiện khai mạc sáng 18/6, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Thông tấn xã tổ chức. Tám gương mặt tham gia là các nhà báo đam mê hội họa, đa số bắt đầu nghiệp vẽ vài năm gần đây, khi đã ở độ trung niên.
Ở một góc triển lãm, khu vực trưng bày tranh của ông Nguyễn Tiến Lễ - từng công tác tại Thông tấn xã khu vực phía Nam - thu hút công chúng. Ông đem đến sự kiện 20 bức đa dạng về chất liệu như acrylic, màu nước. Với đề tài thiên nhiên, tĩnh vật, họa sĩ chọn các lát cắt đời thường, chẳng hạn tác phẩm vẽ biển chiều Phú Quốc với tông màu trầm lạnh, hay khung cảnh mùa thu, cây ven hồ vào mùa lá rụng.
Họa sĩ Tiến Lễ nói thời trẻ mê hội họa nhưng vì nhiều lý do lại rẽ sang nghề làm báo. Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu tự học vẽ từ năm 2016 để thực hiện giấc mơ một thời. Ông thực hành các kỹ năng phác thảo, chọn màu qua sách vở, kết bạn với các đồng nghiệp chung đam mê để tham khảo kinh nghiệm. Sau khi vẽ tranh trên giấy thường, canvas, ông mày mò thử nghiệm các chất liệu khó hơn như giấy dó.
Mỗi lần ngồi trước giá vẽ, ông Tiến Lễ luôn sáng tác theo cảm hứng thay vì chọn trước đề tài. Nhiều bức ông hoàn thành chỉ trong một giờ, nhưng cũng có những tác phẩm phải để lại hàng tháng vì bí ý tưởng. "Tôi nhận ra dù là hai ngành khác nhau, nghề báo giúp ích nhiều cho hội họa. Viết báo cần lý trí, do đó sẽ giúp họa sĩ cân bằng tâm lý trong lúc vẽ tranh - vốn thiên về yếu tố cảm xúc, hoặc chọn chủ đề một cách điềm tĩnh, sâu sắc hơn", ông nói.
Ông Huỳnh Dũng Nhân - cây viết phóng sự kỳ cựu - giới thiệu 25 tranh chân dung các tên tuổi quen thuộc với công chúng, như nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, rapper Đen Vâu. Nhà báo học vẽ thuở nhỏ, song sau nhiều năm chiến tranh, ông thay đổi định hướng nghề nghiệp, dường như quên mất đam mê ban đầu. Sau lần bị đột quỵ ba năm trước, "máu" hội họa dần len lỏi trong ông. Huỳnh Dũng Nhân nhờ người thân mua bảng, màu, cọ, tập vẽ trở lại trên giường bệnh.
Hầu hết tranh được ông Huỳnh Dũng Nhân vẽ trong năm 2021, lúc Covid-19 diễn biến phức tạp. Thời điểm ấy, một bên người ông bị liệt, đi lại khó khăn. Chỉ còn tay phải cử động được, ông dồn sức sáng tác, vừa để cơ thể bớt trì trệ, vừa chống trầm cảm suốt thời gian dài chỉ ở trong nhà. Sau ba năm, ông vẽ hơn 2.000 bức, đa số là thể loại chân dung. "Với tôi, vẽ là cách thể hiện tình cảm với bạn bè, người tôi ngưỡng mộ, không phục vụ nhu cầu kinh tế", ông nói.
Nhiều cây cọ khác cũng đem đến triển lãm các đề tài đa dạng về đời sống. Họa sĩ Ngô Thành Nhân góp mặt với năm bức sơn dầu, acrylic, trong đó có bức Hạ Long khổ lớn và một số tranh vẽ TP HCM. Nguyễn Nghiêm - cựu phóng viên Đài Truyền thanh quận Tân Bình - giới thiệu 15 tranh chủ đề phong cảnh. Họa sĩ Vũ Kim Sơn khắc họa mảng sinh hoạt đời thường với lối thể hiện bố cục, ánh sáng đặc trưng của một phóng viên ảnh kỳ cựu. Tiểu Tân - 36 tuổi, họa sĩ trẻ nhất nhóm tác giả, phóng viên báo Sài Gòn giải phóng - giới thiệu các tác phẩm màu nước, lụa.
Dự lễ khai mạc, Phó bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, gợi góc nhìn, suy tư của người làm báo. Ông tri ân các phóng viên, biên tập viên góp phần vào sự phát triển của TP HCM và cả nước. Họa sĩ Nguyễn Nghiêm cho biết sau triển lãm, số tiền bán tranh sẽ được quyên cho quỹ giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam, xây dựng phòng đọc cho học sinh tiểu học ở Gia Lai.