Đời sống

Bươn chải tuổi già vì không có "của để dành"

HẢI YẾN 30/06/2024 05:50

Không bảo hiểm xã hội, không lương hưu nên nhiều người cao tuổi ở Hải Dương vẫn phải vất vả bươn chải, mưu sinh.

bahop.jpg
Tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng bà Nguyễn Thị Hợp không dám nghỉ đi chợ một ngày nào vì lo không kiếm được tiền

Nặng gánh

Hơn chục năm nay, bà Nguyễn Thị Hợp (65 tuổi) mưu sinh bằng việc bán rau ở chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương). Ngày nắng nóng cũng như mưa rét, bà đều thức dậy vào lúc 3 giờ sáng ra chợ đầu mối lấy hàng. Sau đó bà về bán đến khoảng 12 giờ trưa, buổi chiều từ 3 rưỡi đến 8 giờ tối.

Bà Hợp độc thân, không chồng, không con, đang chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già 88 tuổi. Ngoài trợ cấp dành cho người cao tuổi của mẹ bà, chi phí sinh hoạt của hai mẹ con đều trông chờ vào nguồn thu nhập từ sạp rau của bà. Từ năm 2016 đến nay, bà Hợp mắc bệnh tăng tiểu cầu nên hằng tháng phải mua thuốc điều trị mất khoảng 2 triệu đồng. “Ngày nào đắt hàng, tôi lãi được trên 100.000 đồng, còn những ngày nắng nóng thế này, rau héo và thối nhanh thì chỉ được vài chục nghìn. Trừ chi phí thuốc men đi thì không còn lại mấy đồng nên nhiều hôm mệt tôi cũng không dám nghỉ”, bà Hợp chia sẻ.

Cũng trong cảnh đơn thân, không lương hưu, sức khỏe yếu, không làm nông nghiệp được nên 4 năm trở lại đây bà Bùi Thị Quế, 67 tuổi, ở xã Hồng Đức (Ninh Giang) đã lên TP Hải Dương làm giúp việc gia đình. Bà đang nhận chăm sóc cho một cụ ông ngoài 80 tuổi. Bà Quế cho biết: “Các con của ông ấy đều bận rộn, không có thời gian chăm bố nên đã thuê tôi. Dù việc chăm sóc người già không hề đơn giản trong khi sức khỏe bản thân không tốt lắm nhưng nhiều lúc tôi thấy mình vẫn còn may mắn vì tìm được việc làm chứ không biết lấy gì mà sống”.

Dù đã 63 tuổi, còn mắc bệnh tim nhưng bà Nguyễn Thị Hường ở phường Phú Thứ (Kinh Môn) vẫn xin đi làm cấp dưỡng cho một đơn vị trong phường. Bà Hường cho biết, chồng bà cũng có lương hưu hằng tháng, chi phí thuốc men cho bà hết nửa số lương hưu đó. “Ở quê nhiều khoản phải chi, nay đám giỗ, đám hiếu, mai đám cưới, tân gia. Nhiều khi trong nhà tôi không có nổi 100.000 đồng. Tôi thường xuyên đi khám định kỳ và lấy thuốc chậm so với lịch hẹn của bác sĩ chỉ vì không có tiền. Dù biết như thế nguy hiểm cho sức khỏe nhưng cũng đành chấp nhận. May là mấy tháng nay tôi xin được việc làm nên cuộc sống cũng dễ thở hơn”, bà Hường ngậm ngùi nói.

Bà Hợp, bà Quế hay bà Hường và nhiều lao động lớn tuổi mặc dù có hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết vẫn phải mưu sinh, lo cho cuộc sống bản thân và gia đình khi quá tuổi lao động vì không có lương hưu.

Cần sự chung tay

Hải Dương hiện có trên 330.000 người cao tuổi, trong đó, có trên 42.200 người cao tuổi từ 60-79 tuổi và trên 49.000 người cao tuổi đủ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. “Từ số liệu trên có thể thấy số người cao tuổi trong tỉnh không có lương hưu còn khá lớn. Nhiều người dù được nhận trợ cấp xã hội nhưng mức trợ cấp còn thấp”, ông Lương Anh Tế, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh nói.

Cũng theo ông Tế, để bảo đảm cuộc sống và có điều kiện chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe khi không may ốm đau, nhiều người cao tuổi trông chờ vào sự hỗ trợ của con cái. Nhưng cũng có nhiều người không muốn là gánh nặng cho con hoặc sống đơn thân thì phải lao động mưu sinh.

Thời gian qua, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi, Hải Dương cũng triển khai nhiều chế độ ưu đãi dành cho người cao tuổi như: hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi; hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho đảng viên được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi; dành kinh phí thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chúc thọ, tặng quà người cao tuổi; hỗ trợ kinh phí xây nhà cho người có khó khăn về nhà ở... Bên cạnh đó, các địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp... cũng có nhiều hoạt động quan tâm, giúp đỡ người cao tuổi nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, những hoạt động trên chỉ giúp họ vơi bớt một phần khó khăn, nhiều người vẫn phải gánh trên vai gánh nặng mưu sinh.

Ở độ tuổi càng cao, người dân càng cần có điểm tựa vững chắc về nhiều mặt, nhất là an sinh xã hội. “Để thực hiện được vấn đề trên cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, gia đình và xã hội. Nếu giải quyết được những vấn đề này chắc chắn sẽ giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích”, ông Lương Anh Tế nhấn mạnh.

HẢI YẾN