Ngọn núi tỷ người biết nhưng chưa ai từng lên đỉnh
Núi thiêng Kailash là điểm hành hương mơ ước của hàng tỷ tín đồ Phật giáo, Ấn Độ giáo nhưng chưa một ai được công nhận từng chinh phục.
Kailash hay Kangringboqe nằm phía tây nam hẻo lánh của Tây Tạng, Trung Quốc, được hơn một tỷ tín đồ Phật giáo, Hindu, Kỳ Na giáo (tôn giáo Ấn Độ) tôn sùng là ngọn núi linh thiêng hàng đầu thế giới. Người theo đạo Hindu tin rằng đây là nơi ở của thần Shiva. Số khác tin rằng Kailash chính là núi Meru huyền thoại trong văn hóa Ấn Độ, nơi cư ngụ của các vị thần và nằm ở trung tâm vũ trụ.
Đến nay vẫn chưa có ai leo lên đỉnh theo hình thức được giới chức địa phương công nhận. Theo Times of India, leo lên đỉnh Kailash bị cấm vì Tây Tạng sợ rằng hành động trên sẽ làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm, linh thiêng của ngọn núi. Theo giai thoại, từng có nhà sư tên Milarepa đã leo lên đỉnh và quay trở lại cảnh báo mọi người tránh làm phiền đấng tối cao đang an nghỉ trên núi.
Năm 1926, đại tá R.C.Wilson của quân đội Ấn Độ từng tổ chức cuộc thám hiểm theo nhóm lên đỉnh nhưng tuyết dày khiến nỗ lực này thất bại.
Ngoài đức tin tôn giáo, thần thoại và thời tiết khắc nghiệt, núi Kailash cũng "không thể leo lên" do những thách thức với thể chất con người. "Núi có hình dạng giống kim tự tháp, sườn dốc, tuyết phủ liên tục khiến việc lên đỉnh vô cùng khó khăn", Tibet Vista - công ty du lịch ở Tây Tạng viết trên website. Dù vậy ngọn núi mỗi năm vẫn đón hàng ngàn lượt khách hành hương ghé thăm, theo webstite hướng dẫn hành hương thế giới do nhiếp ảnh gia National Geographic Martin Gray điều hành.
Cũng theo miêu tả từ Tibet Vista, đỉnh Kailash nổi bật so với các đỉnh xung quanh, các sườn dốc gần như thẳng đứng nên chinh phục ngọn núi được đánh giá là nhiệm vụ "cực kỳ khó khăn".
Hành trình đến núi cần có sự kiên trì vì không có chuyến bay thẳng, xe lửa hay xe buýt hoạt động gần đó, di chuyển cũng khó khăn, nguy hiểm. Chuyến hành hương thường kéo dài 3 ngày, được gọi là "The Kora", bắt đầu từ thị trấn Darchen nằm ở độ cao 4.600 m và điểm cao nhất là đèo Drolma La-Pass, cao 5.650 m. Mọi người đi bộ quanh ngọn núi ba lần theo chiều kim đồng hồ, hoặc ngược lại, tùy theo từng tín ngưỡng.
Theo Wonders of Tibet, du khách nên chuẩn bị tinh thần đi bộ 15-22 km mỗi ngày trong cuộc hành hương trên cung đường được miêu tả "một trong những tuyến đường cao nhất thế giới" cũng như tập luyện trước ở nhà ba tháng.
Ngày đầu tiên du khách đi theo tuyến đường phía nam và tây của ngọn núi, bằng phẳng và dễ đi bộ. Ngày thứ hai, điều kiện di chuyển khó khăn hơn theo hướng bắc và đông, đi qua đèo Drolma La-Pass. Ngày cuối hành trình dễ dàng hơn và cũng là chuyến đi ngắn nhất trong 3 ngày. Nếu không thể tự khuân đồ, du khách có thẻ thuê bò yak hoặc người địa phương mang giúp. Du khách cắm trại hoặc qua đêm tại những chỗ nghỉ đơn sơ dành cho người hành hương trong các tu viện Drira-puk và Zutul-puk. Trên đường du khách sẽ gặp nhiều người du mục Tây Tạng, khách Ấn Độ, người hành hương đi qua ba tu viện, hàng chục điểm đến linh thiên với những tảng đá được khắc các câu thần chú.
Nhiều người tin rằng hành hương vòng quanh núi ba lần sẽ giúp xóa bỏ mọi tội lỗi trong cả cuộc đời. Tại một địa điểm tên Shiva-tsal, du khách để lại vật kỷ niệm của mình như quần áo, lọn tóc ngụ ý cuộc sống cũ buồn bã, không như ý đã được để lại phía sau.
Thời gian ngọn núi đông khách nhất là lễ hội Saga Dawa, bắt đầu vào đầu tháng 5, kết thúc vào tháng 6. Lễ hội kỷ nhiệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn. Du khách tham gia chuyến đi phải trong độ tuổi 18 đến 70.
Lựa chọn tốt nhất để đến núi là bắt chuyến bay hoặc tàu hỏa đến thành phố Lhasa, Tây Tạng từ các thành phố của Trung Quốc hoặc Kathmandu, Nepal và dành vài ngày ở đó thích nghi. Sau đó du khách lái xe đến ngọn núi, thời gian di chuyển 4 ngày. Trên đường đi, bạn có thể dừng lại ở thị trấn Shigatse của Tây Tạng và tu viện cổ Sakya, thậm chí đi vòng đến mặt phía bắc của Everest Base Camp (hành trình này du khách sẽ mất thêm hai ngày). Những năm gần đây, đường đến phía tây Tây Tạng đã được trải nhựa, khách sạn được nâng cấp nên việc hành hương đỡ vất vả hơn.
Khách quốc tế đến Tây Tạng cần đi theo tour của công ty du lịch địa phương và phải xin giấy phép của Cục Du lịch Tây Tạng.