Góc nhìn

Đào tạo nghề theo yêu cầu giúp Hải Dương phát triển

NGUYỄN HOÀNG 19/06/2024 05:28

Đào tạo nghề theo yêu cầu, phát triển giáo dục nghề nghiệp ở Hải Dương sẽ giúp bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

z5547554499518_5e9b8a00d75a3e9cb4a30b4c139d19d7.jpg
Sinh viên học ngành may thời trang tại Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương (ảnh minh họa)

Hải Dương hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 8 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 12 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 1 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Khối công lập có 22 đơn vị, còn lại là khối tư thục.

Phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung tại TP Hải Dương, Chí Linh và một số huyện gần TP Hải Dương. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo 42 nghề trình độ cao đẳng, 75 nghề trình độ trung cấp, 102 nghề trình độ sơ cấp. Nhiều ngành nghề được đầu tư, phát triển nghề cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế. Mỗi năm, hệ cao đẳng có quy mô đào tạo khoảng 3.100 sinh viên, hệ trung cấp đào tạo trên 6.300 học sinh.

Giai đoạn từ 2021-2023, các trường cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp tại Hải Dương đã đào tạo gần 16.000 học sinh, sinh viên, tập trung một số nhóm ngành, nghề khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, giáo dục và đào tạo; kinh doanh; kỹ thuật và công nghệ thông tin; sản xuất, chế biến và xây dựng; sức khỏe; dịch vụ, du lịch, môi trường…

Trên 80% số học sinh, sinh viên ra trường có việc làm. Trình độ đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã mời doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia xây dựng chương trình đào tạo và đánh giá năng lực người học...

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Hải Dương đã có những bước tiến bộ so với giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, một vấn đề cốt yếu của hệ thống giáo dục này ít thay đổi, đó là chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới chỉ đào tạo theo nguồn “cung” có sẵn, chưa đáp ứng đào tạo theo kịp “cầu” của thị trường lao động, nhất là lao động trong doanh nghiệp. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động chưa cao, khả năng làm việc theo nhóm, kỹ năng nghề, năng lực sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế. Khả năng thích ứng với thay đổi, kỹ năng thực hành và ý thức, tác phong làm việc cũng chưa thực sự tốt. Rất nhiều lao động đã qua đào tao trong các trường nghề được tuyển dụng nhưng doanh nghiệp phải đào tạo lại...

Nguyên nhân chủ yếu là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tích cực đổi mới công tác tuyển sinh, mở thêm ngành nghề đạo tạo mới đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trang thiết bị phục vụ giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, cũ kỹ và lạc hậu, không theo kịp trình độ, máy móc của doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

Có một thực tế là rất nhiều phụ huynh muốn con em học đại học, không cho học nghề, nên nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó tuyển sinh. Số doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động như dệt, may, da giầy, điện tử… có xu hướng tự đào tạo nghề cho lao động, không có nhu cầu hợp tác đào tạo, nâng cao chất lượng lao động.

Để thu hút học sinh vào các trường nghề, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cung ứng lao động trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, các cấp, ngành ở Hải Dương cần quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục nghề nghiệp. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề; phối hợp các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra; mở mang đào tạo ngành nghề mới như sản xuất chíp bán dẫn, hydrogen, tín chỉ carbon… để cung cấp nguồn nhân lực lao động phù hợp yêu cầu thị trường. Xem xét việc hỗ trợ học phí đối với học sinh được đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động cần chính xác, khoa học…

Về lâu dài cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, huy động vốn đầu tư xây dựng các trường dạy nghề chất lượng cao. Khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn thành lập cơ sở tự đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của chính mình và các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề.

NGUYỄN HOÀNG