Gia đình

Vợ tôi là nhà báo

LÊ HƯƠNG 23/06/2024 17:15

Tôi đã nghĩ mình sẽ không đủ kiên trì bên vợ khi cô ấy theo nghề báo. Nhưng chúng tôi đã là vợ chồng hơn chục năm và hạnh phúc vì trân trọng và thấu hiểu giá trị của nhau.

Hình ảnh 21-6-24 lúc 16.47

Chúng tôi yêu nhau từ thời sinh viên. Tôi tên Hưng, còn cô ấy là Hoa. Hồi đó, tôi học năm thứ 2 Đại học Bách khoa Hà Nội, còn vợ tôi mới chập chững bước vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tính tình chúng tôi như 2 thái cực, thế mà lại yêu nhau. Các cụ vẫn thường nói về luật bù trừ như thế. Tôi hiền, ít nói, đôi lúc có vẻ dễ dãi, còn cô ấy lại hoạt bát, sắc sảo và quyết đoán.

Học năm thứ 2, cô ấy đã cộng tác với một số công ty truyền thông rồi một số đài truyền hình tại Hà Nội. Năm ấy, Cuộc thi hoa hậu Việt Nam diễn ra, để thực hiện phóng sự cho từng thí sinh tham gia cuộc thi, cô ấy đã bỏ tôi lại đất Hà thành, đi công tác tại một số tỉnh.

- Anh, đợt tới em sẽ đi công tác dài ngày!

- Em đi bao lâu?

- Chắc nửa tháng.

- Em đi với những ai?

- Em đi với đoàn gồm 4 anh con trai khác!

- Trời, em nghĩ sao mà đi với 4 người đàn ông?

Cuộc hội thoại của chúng tôi trước ngày cô ấy đi công tác chỉ vỏn vẹn có thế. Thời gian cô ấy đi công tác cũng là từng ấy ngày chúng tôi "chiến tranh lạnh". Nửa tháng trôi qua, điện thoại của tôi cuối cùng cũng xuất hiện dòng tin nhắn: 16 giờ 30, anh đón em ở công ty! Bao cảm xúc giận hờn dồn nén trong tôi như tan biến. Tôi lại huýt sáo khắp các tầng trong khu nhà trọ, tắm giặt thơm tho, chuẩn bị tâm thế đi đón người yêu.

Gặp lại tôi, Hoa nhoẻn miệng cười:

- Lát ăn cơm tối xong, em lại phải ra công ty dựng phóng sự cho kịp thời gian phát sóng. Tầm 2 giờ đêm, anh qua công ty đưa em về ký túc xá nhé!

Nụ cười của tôi tắt ngấm. Tôi khựng lại, lặng lẽ chấp nhận.

Thời gian trôi, đám cưới của chúng tôi diễn ra trong sự chúc phúc của mọi người. Hoa nói với tôi chưa muốn sinh con vì còn muốn cống hiến cho công việc. Những chuỗi ngày Hoa đi công tác cứ triền miên. Chưa kể, nhiều đêm tiếp khách về muộn, người Hoa toàn mùi rượu. Mâu thuẫn tăng dần, chúng tôi từ trạng thái to tiếng cãi vã đến không ai nói với ai. Chúng tôi ly thân, tôi bỏ ra ngoài ở.

Chuỗi ngày nhàm chán của tôi với những việc lặp đi lặp lại: đi làm, về nhà rồi nhìn 4 bức tường. Tôi thấy nhớ vợ và cô đơn. Thằng Toàn bạn thân của tôi, vợ chồng nó lúc nào cũng sóng đôi hạnh phúc. Cưới cùng tháng với chúng tôi nhưng vợ chồng nó đã sinh được đứa con gái kháu khỉnh… Tôi lại thêm buồn. Mở ti vi ra xem, tôi gặp ngay hình ảnh vợ tôi. Cô ấy làm MC tại một chương trình nhân đạo, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người cho một chị khuyết tật ở Vĩnh Phúc. Thật bất ngờ, nhờ có chương trình mà chị ấy đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 70 triệu đồng, tạo vốn làm ăn ban đầu, vượt qua số phận. Nhìn những giọt nước mặt và chứng kiến sự xúc động của nhân vật, tôi bỗng thấy yêu vợ mình hơn. Tôi âu yếm, ngắm nhìn và theo dõi từng cử chỉ của cô ấy. Ngay trong đêm, tôi thu dọn đồ đạc, trở về tổ ấm của tôi và em.

Năm đó, chúng tôi về quê ăn Tết. Bố mẹ tôi đon đả ra đón con dâu. Bố tôi bảo:

- Con Hoa vào nhà nhanh đi. Nhà đang có khách quý!

Tôi nhận ra bác Quý là bạn nhập ngũ của bố tôi thời trước. Bác mang trong mình nhiều vết thương bom đạn. Hơn thế, 4 lần sinh con thì cả 4 lần bác đều mất con do di chứng của chiến tranh. Bác Thạo - vợ bác vì thế cũng hóa tâm thần.

- Vợ chồng thằng Hưng vừa về đấy hả cháu? Quý hóa quá! May có vợ mày giúp, bác mới tìm thấy bác gái đấy! - bác Quý nói.

Tôi chưa hiểu chuyện gì. Bố tôi thư thả giãi bày:

- Bác Thạo vừa rồi phát bệnh nặng, bỏ nhà đi. Cả nhà tìm mà không thấy. Bố nhanh trí điện cho con Hoa, nhờ nó đăng tải thông tin tìm bác Thạo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Ngay ngày hôm sau, có người gọi điện báo qua Bắc Ninh tìm người cháu ạ! - bác Quý xúc động.

Nếu không có vợ tôi, biết khi nào bác Thạo được trở về với gia đình? Tôi đã hiểu giá trị công việc của những người làm báo như vợ tôi. Họ vất vả, lặng thầm để cống hiến cho xã hội. Bữa cơm hôm ấy thật đầm ấm. Và cũng thật hạnh phúc vì cũng bữa cơm ấy, vợ tôi thông báo tôi được lên chức bố.

LÊ HƯƠNG