Ấn Độ giải thích lý do từ chối ký tuyên bố chung Hội nghị hòa bình cho Ukraine
Sau Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ, Ấn Độ tin rằng chỉ có “sự tham gia chân thành và thực tế” liên quan đến xung đột Ukraine mới có thể dẫn đến giải pháp.
Theo đài RT, Ấn Độ lưu ý nước này chỉ hiện diện trong các phiên họp toàn thể khai mạc, bế mạc và không liên kết với bất kỳ thông cáo hoặc tài liệu nào có trong sự kiện. Đại diện của Ấn Độ tham dự hội nghị là quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, ông Pavan Kapoor, cựu đại sứ Ấn Độ tại Nga giai đoạn 2021 - 2024.
Phát biểu tại hội nghị, ông Kapoor nhấn mạnh chỉ có các giải pháp được cả hai bên chấp thuận mới có thể đạt được hòa bình lâu dài ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó tuyên bố việc tham gia hội nghị thượng đỉnh, cũng như các cuộc họp trước đó dựa trên “công thức hòa bình” của Ukraine, phù hợp với cách tiếp cận nhất quán của nước này nhằm tạo điều kiện giải quyết xung đột một cách hòa bình và lâu dài thông qua đối thoại và ngoại giao.
“Chúng tôi vẫn tin rằng giải pháp này đòi hỏi sự tham gia chân thành và thực tế giữa 2 bên trong cuộc xung đột”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ.
Ấn Độ cũng cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác với cả Nga và Ukraine cùng các bên liên quan khác “để đóng góp vào mọi nỗ lực nghiêm túc nhằm mang lại hòa bình sớm và lâu dài”.
Ngoài Ấn Độ, khoảng 10 quốc gia tham gia hội nghị đã từ chối ký vào tuyên bố chung sau hội nghị - bao gồm Brazil, Saudi Arabia, Nam Phi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mexico, Thái Lan và Indonesia. Theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, 78 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế đã ký tuyên bố này.
Ấn Độ vẫn giữ lập trường trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine, kêu gọi giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao.
Hôm 14/6, Thủ tướng Narendra Modi đã gặp nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Italy. Dù ông Modi lưu ý Ấn Độ mong muốn củng cố quan hệ song phương với Ukraine, song ông cũng nhắc lại lập trường của New Delhi về cuộc xung đột.
“Liên quan đến các hành động thù địch đang diễn ra, tôi nhắc lại rằng Ấn Độ tin vào cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm và tin rằng con đường dẫn đến hòa bình là thông qua đối thoại và ngoại giao”, Thủ tướng Modi nói.
Hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức đã diễn ra trong ngày 15- 16/6. Gần 100 quốc gia, tổ chức quốc tế đã cử đại diện tham dự hội nghị. Tuy nhiên, Nga không được mời tham gia.
Moskva đã bác bỏ hội nghị này, khẳng định không thể có giải pháp cho cuộc xung đột nếu không có sự tham gia của Nga vào các cuộc đàm phán. Hội nghị thượng đỉnh chủ yếu thảo luận về “công thức hòa bình” gồm 10 điểm của Tổng thống Zelensky. Moskva đã kiên quyết bác bỏ đề xuât này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cũng đã nêu các điều kiện để đạt lệnh ngừng bắn, song cả Kiev và phương Tây đã bác bỏ hoàn toàn các điều kiện này.