Tài chính - Ngân hàng

BIDV Hải Dương nỗ lực “bơm” vốn cho khối FDI

HÀ KIÊN 19/06/2024 15:00

Tập trung nguồn lực đồng hành cùng các doanh nghiệp, trong đó có khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những điểm nhấn trong chiến lược tăng trưởng của BIDV Hải Dương thời gian qua.

z5543957629640_3cff69ccc30a56284500fe75d55514b4.jpg
Dòng vốn ngân hàng từ BIDV Hải Dương đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp FDI thực hiện hiệu quả chiến lược tăng trưởng. Trong ảnh: Công ty TNHH Shints BVT là một trong những khách hàng lâu năm của BIDV Hải Dương

Cùng đồng hành

Là doanh nghiệp có 100% vốn Hàn Quốc, ngay khi thành lập năm 2006, Công ty TNHH Shints BVT ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) đã thiết lập quan hệ với BIDV Hải Dương. Những ngày đầu hoạt động, nhu cầu chủ yếu của doanh nghiệp này đơn thuần là những giao dịch quy đổi ngoại tệ, chuyển, nhận tiền. “Đến năm 2014, chúng tôi thực hiện chiến lược mở rộng quy mô, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, do vậy cần bổ sung nguồn vốn vay ngân hàng. Chúng tôi đã được BIDV Hải Dương hỗ trợ nhiệt tình. Từ đó đến nay, chúng tôi luôn coi ngân hàng này là người bạn đồng hành tin cậy”, chị Ngô Thị Hương, Kế toán trưởng Công ty TNHH Shints BVT chia sẻ.

Đặc biệt, trước ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 cũng như suy thoái kinh tế, doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng dệt may xuất khẩu này đã được hỗ trợ giảm lãi suất, cấp thêm vốn vay ở từng thời điểm theo các nhu cầu thực tế trong hoạt động sản xuất. Nhờ đó có thêm trợ lực khôi phục, phát triển. Đến nay, doanh nghiệp này đã tạo việc làm ổn định cho trên 4.000 lao động trực tiếp, làm việc tại 2 cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Thành lập năm 2003, Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam (TP Hải Dương) là một trong những khách hàng FDI đầu tiên của BIDV Hải Dương. Hoạt động trong ngành may mặc, chuyên xuất khẩu sản phẩm tới Mỹ và một số quốc gia châu Âu nên giai đoạn kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cũng là lúc doanh nghiệp này lâm vào tình cảnh khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Duyên, Kế toán trưởng Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam cho biết: “Năm 2022, lượng đơn hàng bị sụt giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển của chúng tôi nói riêng, toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp nói chung. Lúc ấy, BIDV Hải Dương đã tạo điều kiện giúp chúng tôi cơ cấu lại khoản vay hàng chục tỷ đồng, giảm và gia hạn thời gian trả gốc lãi. Khoảng giữa năm 2023, kinh tế thế giới dần hồi phục, lượng đơn hàng của chúng tôi tăng 30% so với cuối năm 2022. Lúc này BIDV Hải Dương đã tạo điều kiện bổ sung thêm nguồn vốn, tăng thêm tốc độ trong kế hoạch hồi phục, phát triển của chúng tôi”.

Không riêng 2 doanh nghiệp nói trên, hàng loạt doanh nghiệp FDI lớn khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã và đang sử dụng vốn cũng như dịch vụ ngân hàng từ BIDV Hải Dương như các Công ty TNHH: Hyundai Kefico Việt Nam, GFT Việt Nam, Việt Nam Toyo Denso, Công ty CP Luyện kim Tân Nguyên Hải Dương Việt Nam…

Từ giai đoạn đại dịch Covid-19 cho đến giai đoạn kinh tế thế giới đầy biến động năm 2023, rồi đến giai đoạn suy thoái và phục hồi kinh tế toàn cầu từ đầu năm 2024 đến nay, BIDV Hải Dương luôn là một trong những ngân hàng duy trì tốt mục tiêu tăng trưởng. Tổng nguồn vốn huy động đến ngày 31/5/2024 đạt 16.965 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng dư nợ đạt 13.624 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng góp sức thu hút đầu tư

z5543962472973_d455daa1f77784475f17ccca7632cacf.jpg
BIDV Hải Dương cung cấp dịch vụ toàn diện, hiện đại phục vụ khối khách hàng FDI để góp sức cùng tỉnh thu hút đầu tư

Một trong những yếu tố góp phần giúp BIDV Hải Dương đạt được kết quả tích cực là nhờ điểm nhấn thành lập Phòng Khách hàng doanh nghiệp FDI thuộc BIDV Hải Dương vào ngày 1/11/2022.

Ngay sau khi thành lập, bộ phận này đã triển khai hàng loạt các nhóm giải pháp cụ thể. Từ việc phân tích thị trường doanh nghiệp FDI trên cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng, cho đến phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh cũng như hội sở chính.

“Chúng tôi đã triển khai nghiên cứu thị trường của khối khách hàng FDI theo định hướng đáp ứng tốt nhất các sản phẩm dịch vụ, nhất là hoạt động mua bán ngoại tệ phái sinh, sản phẩm ngân hàng số”, ông Phạm Văn Thái, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp FDI BIDV Hải Dương chia sẻ.

Trước biến động của tỷ giá ngoại tệ thời gian qua, các doanh nghiệp FDI được tư vấn sử dụng linh hoạt nhiều sản phẩm về ngoại tệ như giao dịch kỳ hạn, hoán đổi tiền tệ, hoán đổi lãi suất để bảo đảm cố định chi phí, phòng ngừa rủi ro về tỷ giá, lãi suất. Từ đó góp phần gia tăng tối đa lợi ích cho khách hàng.

Sau gần 2 năm hoạt động, đến hết tháng 5/2024, Phòng Khách hàng doanh nghiệp FDI đã phục vụ gần 100 doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ cùng một số quốc gia châu Âu, tăng 21 khách hàng so với cuối năm 2022. Nguồn vốn huy động đạt gần 1.000 tỷ đồng, dư nợ 1.928 tỷ đồng, thu kinh doanh ngoại tệ và phái sinh đạt 12 tỷ đồng, thu nhập thuần từ ngân hàng số đạt 7 tỷ đồng.

Tiềm năng của khu vực doanh nghiệp FDI đối với các ngân hàng thương mại nói chung, BIDV Hải Dương nói riêng còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). “Các doanh nghiệp FDI hầu hết đều là các tập đoàn đa quốc gia, có kinh nghiệm đầu tư tại nhiều nơi trên thế giới, nền tảng tài chính mạnh, sự am hiểu kinh doanh quốc tế sâu rộng. Do vậy đòi hỏi BIDV Hải Dương nói chung, phòng khách hàng FDI nói riêng cần phải cung cấp dịch vụ toàn diện và hiện đại nhất”, ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Giám đốc BIDV Hải Dương cho biết.

HÀ KIÊN