Loay hoay tìm kênh tiêu thụ nhiều sản phẩm OCOP của Hải Dương
Là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, tuy nhiên không ít sản phẩm OCOP của Hải Dương vẫn khó tiêu thụ và nâng cao vị thế trên thị trường.
Chủ yếu bán cho bạn hàng cũ
Năm 2021, sản phẩm “Dầu lạc Văn Thuần” của anh Nguyễn Văn Thuần là một trong số ít những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao đầu tiên của TP Chí Linh. Đây cũng là sản phẩm đặc trưng của phường Hoàng Tiến.
Nằm ở vùng trồng lạc lớn nhất tỉnh Hải Dương nên nguồn nguyên liệu đầu vào bảo đảm chất lượng. Mỗi năm, anh Thuần thu mua khoảng 30 tấn lạc nguyên vỏ để làm nguyên liệu ép dầu. Việc ép dầu được thực hiện theo đúng quy trình để sản phẩm bảo đảm chất lượng tốt nhất. Dầu ép bằng công nghệ nhiệt nên giữ được mùi thơm đặc trưng của lạc và bảo quản được trong 2 năm. Sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng và có đầy đủ các loại chứng nhận nhưng việc tiêu thụ vẫn nhỏ lẻ.
Anh Nguyễn Văn Thuần, chủ cơ sở sản xuất dầu lạc chia sẻ: “Sản phẩm chủ yếu vẫn bán cho các bạn hàng cũ, giao buôn tại các tỉnh, thành phố lân cận chứ chưa tiếp cận được các cửa hàng thực phẩm sạch hay siêu thị. Việc được công nhận là sản phẩm OCOP chưa thúc đẩy được việc tiêu thụ của cơ sở. Do vậy năm nay, sản phẩm đã hết thời hạn chứng nhận OCOP nhưng tôi cũng không có ý định làm hồ sơ cấp lại sao cho sản phẩm”.
Khó mở rộng thị trường cũng là tình trạng chung của nhiều chủ thể khác khi tham gia chương trình OCOP. Trước khi tham gia chương trình OCOP, bà Nguyễn Thị Thoa, chủ của sản phẩm OCOP 3 sao “Tương bần gia truyền bà Chức” ở xã Thái Tân (Nam Sách) kỳ vọng sản phẩm sẽ được hỗ trợ tiêu thụ tại một số cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh để mọi người biết đến sản phẩm gia truyền của gia đình. Nhưng thực tế lại khác nhiều khiến bà hụt hẫng.
“Năm 2023, sản phẩm tương của gia đình chúng tôi mới được chứng nhận OCOP. Huyện hỗ trợ chúng tôi tham gia một số gian hàng bán sản phẩm OCOP ở các lễ hội trong tỉnh như đền Long Động hay lễ hội đền Bia… nhưng lượng khách không nhiều nên hầu như không bán được sản phẩm. Ngoài ra, khi bán sản phẩm OCOP phát sinh thêm chi phí tem mác nên các khách hàng cũ chỉ mua sản phẩm đóng chai nhựa bình thường. Hiện mỗi năm chúng tôi tiêu thụ từ 2.000 – 3.000 lít tương ở nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh. Sản lượng tiêu thụ không hề tăng so với trước khi tham gia chương trình OCOP”, bà Thoa nói.
Thêm cơ chế hỗ trợ
Từ năm 2019, chương trình OCOP được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai, Hải Dương đã có 351 sản phẩm OCOP, gồm 118 sản phẩm OCOP 4 sao, 231 sản phẩm OCOP 3 sao. Có khá nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong nước biết đến. Bên cạnh quan tâm chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm thì nhiều chủ thể cũng đầu tư xây dựng bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Một số sản phẩm đã có mặt ở các hệ thống bán lẻ hiện đại, xây dựng được mạng lưới phân phối rộng lớn và trở thành mặt hàng xuất khẩu, được thị trường đón nhận tích cực, doanh thu hằng năm đạt hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động như bánh đậu xanh Hoàng Giang, bánh gai, bánh gấc Nga Tới, bánh đa cá rô đồng…
Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, có doanh thu tốt thì vẫn còn những sản phẩm OCOP thiếu đầu ra, loay hoay tìm kiếm thị trường. Nấm sò khô của anh Luyện Huy Hùng ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện) là một ví dụ. Trước khi tham gia chương trình OCOP, anh đã tìm hiểu kỹ và thấy nhiều mô hình hiệu quả ở các tỉnh, thành phố khác. “Ở một số tỉnh, thành phố khác, các sản phẩm OCOP được đưa vào bán tại hệ thống cửa hàng tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả rất cao nhưng ở Hải Dương chưa có hệ thống đó. Tôi cũng đã thử đưa sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ hiện đại nhưng có rất nhiều rào cản, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tôi mong muốn tỉnh có chính sách kết nối, hỗ trợ cho các chủ thể kinh doanh nhỏ để có thể tiêu thụ được trong các cửa hàng, siêu thị với đầu ra ổn định hơn”.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, hằng năm tỉnh đều có các chính sách hỗ trợ các chủ thể xây dựng các chuỗi liên kết, xúc tiến thương mại tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh. Không ít chủ thể tìm được các bạn hàng, đối tác lớn để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều chủ thể vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nguyên nhân là do một số sản phẩm OCOP sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ, theo mùa vụ, số lượng sản phẩm chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ trực tiếp, rất ít dấu ấn của công nghiệp chế biến và công nghệ cao. Các chủ thể là hộ kinh doanh nhỏ lẻ mới làm tốt ở khâu sản xuất, còn khâu quảng bá vẫn đang yếu.
OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, mang tính dài hạn, cần được ưu tiên. Tỉnh và chính quyền các địa phương cần sớm lên phương án xây dựng trung tâm bày bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP ở các vùng, tạo động lực để kết nối và thúc đẩy giữa các vùng, địa phương và khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch.