Rèn thói quen đọc sách cho con dịp hè
Hè về, nếu các em ham đọc sách, tìm đến sách như một niềm vui thì những chiếc điện thoại di động sẽ không còn là những "bảo mẫu" bất đắc dĩ.
Những ngày gần đây một đoạn video ngắn đăng trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh đối lập tại Sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều người quan tâm. Hình ảnh cho thấy trong khi 2 trẻ em nước ngoài chăm chú đọc sách thì ở hàng ghế bên cạnh hai trẻ em khác người Việt Nam lại dán mắt vào chiếc điện thoại di động.
Chỉ một đoạn video ngắn trên mạng xã hội nhưng đã thu hút được rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận. Nhiều người thừa nhận rằng lâu nay coi điện thoại như một "bảo mẫu" trông con. Nhiều gia đình thường cho trẻ em dùng điện thoại thông minh ở nơi cộng cộng để tránh làm phiền người khác. Thậm chí nhiều bà mẹ còn thường xuyên dùng điện thoại di động "trông con" nhằm rảnh tay làm việc khác.
Chị bạn tôi vừa phải xin cho con bảo lưu kết quả học tập để chữa bệnh nghiện game. Vì nhà neo người nên mỗi lần con đi học về chị thường cho chơi điện thoại để rảnh tay nấu cơm hay dọn dẹp nhà cửa. Khi con còn nhỏ thì xem YouTube nhưng lớn lên con lại ham những trò chơi điện tử trên điện thoại di động. Chơi nhiều đến độ cháu bị rối loạn giấc ngủ và thường xuyên bất an. Mỗi khi không được dùng điện thoại là cháu bứt rứt, khó chịu, đập phá đồ đạc.
Câu chuyện trên không hiếm ở nhiều gia đình dịp hè này.
Hè là khoảng thời gian để các em vui chơi, khám phá thế giới xung quanh và nạp thêm nguồn năng lượng mới. Trong nhiều trải nghiệm, sách là lựa chọn hữu ích để mùa hè thêm ý nghĩa. Thế nhưng bao nhiêu người trong chúng ta sẵn sàng chọn sách cho con đọc mùa hè?
Một thống kê từ Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố đầu tháng 5 vừa qua cho thấy một thực tế về đọc sách và văn hóa đọc hiện nay. 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm một người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách (bao gồm cả đọc sách điện tử). Con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch), năm 2023 tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, người thỉnh thoảng đọc sách chiếm 44% và chỉ có 30% số dân đọc sách thường xuyên.
Trong khi đó tại Malaysia, học sinh phải đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Ở Hàn Quốc, cha mẹ đọc sách cùng con ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi lần 30 phút. Còn với Nhật Bản, họ có riêng một ngày lễ "Ngày trẻ em đọc sách". Ngày này được quy định trong Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em. Ở nhiều nước châu Âu đọc sách với trẻ em được hình thành từ khi trẻ còn nhỏ và tạo thành thói quen hằng ngày trước khi đi ngủ mỗi tối.
Xem điện thoại không xấu nhưng thực tế hiện nay chúng ta rất khó kiểm soát nội dung nên rất dễ để trẻ bị tác động bởi những thông tin không tốt trên internet. Còn đọc sách cha mẹ có thể kiểm soát nội dung các con xem dễ dàng hơn.
Những năm gần đây, Hải Dương cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước có nhiều cách làm khuyến khích trẻ em tham gia đọc sách dịp hè. Thư viện tỉnh trang bị rất nhiều đầu sách mới cho trẻ em tới đọc và mượn dịp này. Các hoạt động khuyến khích trẻ em đọc sánh hè liên tục được tổ chức như hội sách, ngày hội mua sách đồng giá hoặc sách bán theo cân... Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Hải Dương được tổ chức thường xuyên mỗi khi hè về.
Trong tỉnh cũng có không ít cá nhân lập tủ sách cho trẻ em đến đọc miễn phí. Tiêu biểu như tủ sách của dòng họ Vũ Thế, tủ sách miễn phí của cậu bé teo cơ tủy sống Trần Vũ Long đều ở huyện Cẩm Giàng hay tủ sách của dòng họ Vũ làng Mộ Trạch ở xã Tân Hồng, huyện Bình Giang...
Để có những đứa trẻ ham đọc sách, trước hết cha mẹ hãy làm gương đọc sách, lan tỏa thói quen này tới các con.