Nông nghiệp - Nông thôn

Vải thiều chính vụ ở Hải Dương mất mùa, giá cao

MINH NGUYÊN 14/06/2024 15:00

Vải thiều chính vụ ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) giá cao chưa từng có tiếp tục phản ánh đúng thực trạng “mất mùa, được giá”. Dù mới bắt đầu nhưng thời gian thu hoạch loại vải này năm nay không kéo dài như những mùa trước do sản lượng thấp.

img_7138.jpg
Vải thiều chính vụ Thanh Hà giá cao, từ 100.000-120.000 đồng/kg

Muốn mua vải, phải đặt trước

Năm nay, vải thiều chính vụ không chỉ quý mà còn hiếm. Nhiều khách hàng không mua được vải nếu không đặt trước với nhà vườn. Chị Nguyễn Thị Trinh quê ở Hải Phòng phải về tận nơi để tìm mua vải, đặt cọc đến ngày cần mới lấy. Vải không nhiều nên đơn vị hoặc cá nhân nào đặt mua nhiều cùng một lúc sẽ không có. Cũng vì giá cao nên xuất hiện tình trạng vải bị bẻ trộm ở nhiều xã. Người dân phải làm lều trông coi ngay tại vườn.

Bà Trần Hà ở thôn 4, xã Thanh Xá cho biết mọi năm gia đình thu hoạch khoảng 2 tấn vải nhưng năm nay chỉ được khoảng 3 tạ. Vải của gia đình bà đã được khách hàng đặt cọc mua hết. Nhiều người đến xem, thăm vườn muốn mua cũng đành từ chối vì đã nhận tiền đặt cọc. Vải hiếm nên gia đình bà làm lều ở vườn để trông coi ngay từ khi vải báo mã.

Bà Hà chia sẻ: “Chưa năm nào vải lại hiếm như năm nay. Người dân biết đến chất lượng vải Thanh Hà nên tìm mua nhiều lắm. Tiếc là mất mùa. Tuy nhiên giá khá cao, bán tại vườn 120.000 đồng/kg. Những năm trước bình quân 17.000 đồng/kg. Chúng tôi rất mừng vì giá cao bù sản lượng thấp”.

Theo nhiều nông dân, mọi năm cứ thu hoạch xong là bắt tay vào dọn vườn vải, cắt, tỉa cành để mùa sau thu hoạch tốt hơn. Thế nhưng năm nay thời tiết không thuận lợi, tác động nhiều đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây. Những cây được chăm sóc tốt thường khỏe và bật lộc, không ra hoa. Vì thế, những gia đình nào không cắt tỉa cành, để như không chăm bón thì mới có quả. Đa số những cây cho quả đều già hơn hẳn so với những vườn cây ít năm.

img_7136.jpg
Gia đình bà Trần Hà ở thôn 4, xã Thanh Xá phải làm lều ở vườn để trông coi vải

Ông Hoàng Văn Nhẫn ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy có khoảng 4 mẫu vải nhưng năm nay chỉ thu được gần 3 tấn quả, giảm hơn chục tấn so với những năm trước. Năm nay thương lái về tận vườn thu mua và bó quả ngay dưới gốc cây nên vải không có “cơ hội” bán nhiều ở các điểm ven đường.

Mùa vải qua nhanh

img_7126.jpg
Đa số nông dân Thanh Hà mất mùa vải thiều, những hộ được thu hoạch vải không đáng kể

Năm nay, nhiều người đến Thanh Hà hụt hẫng vì không mua được vải thiều. Chị Nguyễn Thị Nhâm ở Hà Nội cho biết tuần trước mới hẹn bạn bè đến hái vải mà đầu tuần về đã hiếm vải. “Chưa bao giờ mùa vải trôi nhanh như năm nay”, chị Nhâm cho biết.

Đa số nông dân Thanh Hà mất mùa vải thiều, những hộ được thu hoạch vải không đáng kể. Thế nhưng, khi hỏi về kinh nghiệm để có vải thì đa số nông dân ở đây cho biết phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Nhiều người cho rằng do may mắn nên mới có vải để thu.

Năm nay, nhiều doanh nghiệp không có vải thu mua, xuất khẩu trong khi đơn hàng nhiều. Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết ngay từ đầu mùa, doanh nghiệp đã nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều. Doanh nghiệp lấy thị trường Nhật Bản làm chuẩn về các tiêu chí xuất khẩu vì nếu quả vải vào được nước này thì giống như giấy thông hành đến các thị trường khó tính khác. Doanh nghiệp đã xuất vải thiều Thanh Hà sang Nhật Bản nhiều năm. Đáng tiếc là năm nay các đơn hàng của nước ngoài mua vải thiều nhiều hơn năm ngoái nhưng lại không đủ hàng để xuất khẩu.

“Tuy nhiên, với năng lực xuất khẩu và uy tín của doanh nghiệp, chúng tôi tin những năm sau, khách hàng sẽ tiếp tục gắn bó và đặt hàng. Hiện vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu đi Pháp, Anh, Úc, Đức, Thái Lan, Nhật Bản, UAE. Một lô vải đang chuẩn bị đi Mỹ, Canada, Thái Lan. Nhiều khách hàng ở Séc, Áo cũng đang đàm phán thu mua vải thiều”, ông Tiến cho biết.

Thanh Hà hiện có hơn 1.300 ha vải thiều chính vụ. Sản lượng các trà vải năm nay đạt khoảng 25.000 tấn, trong đó vải thiều chính vụ chỉ khoảng 2.000 tấn, giảm khoảng 12.000 tấn so với năm ngoái.

MINH NGUYÊN