Góc nhìn

Nhói lòng án mạng gia đình

PHONG TUYẾT 14/06/2024 05:30

Mấy vụ án mạng gia đình thời gian gần đây ở Hải Dương, Thái Bình gióng lên hồi chuông báo động bi ai.

ng(1).jpg
Gia đình em T.Đ.P.S. ở thôn Vĩnh Xuyên, xã Vĩnh Hoà, huyện Ninh Giang (Hải Dương), nơi lo hậu sự cho em

Mới đầu tháng 6 này đến nay mà dư luận đã mấy lần xôn xao, nhói lòng vì những cái chết do chính cha, mẹ, con ruột gây ra cho nhau.

Ngày 7/6, một nam sinh lớp 12 ở thôn Vĩnh Xuyên, xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang (Hải Dương) tử vong bất thường. Nguyên nhân tử vong mới được hé lộ do em bị bố đẻ dùng gậy gỗ vụt trúng vào vùng gáy sau khi vụt vào tay, chân tối 5/6 chỉ vì đi chơi về muộn.

Trước đó, dư luận cũng xôn xao một vụ án con gái giết cha rồi ôm con nhỏ nhảy xuống sông tự tử ở Thái Bình ngày 4/6. Ba người trong gia đình, ba thế hệ, từ người già đến đứa trẻ con vô tội mới 5 tuổi cùng mất mạng vì mâu thuẫn.

Liên tiếp các vụ án mạng gia đình đau đớn khiến nhiều người lo lắng về tình cảm trong gia đình ngày nay.

Sau vụ việc nam sinh lớp 12 bị đánh tử vong ở Hải Dương được nêu ở trên, người cha bị giam giữ để điều tra. Chắc hẳn người cha ấy trong buồng giam đang dằn vặt, ân hận đến nhường nào khi chính tay mình đã tước đi mạng sống của con trai chỉ vì một khoảnh khắc nông nổi, bực tức không kiểm soát được hành vi.

Phải chăng cha sợ con đi chơi về muộn nguy hiểm, cũng nhiều cám dỗ? Lại đang trong kỳ thi cử, có thể cha sợ ảnh hưởng đến việc học hành của con nên lo lắng? Và thêm một chút nóng tính, sự bực tức bộc phát trong người, cha đánh con rồi không may xảy ra sự việc đáng tiếc? Nếu câu trả lời là đúng, chẳng phải cha đã giết con vì thương con sao!?

Hồi nhỏ, ở quê, tôi thấy không ít cảnh cha mẹ đánh con bằng đòn roi một cách nặng tay để răn đe, dạy dỗ con. Bây giờ đã ít thấy hơn. "Thương cho roi cho vọt" cũng cần có sự kiểm soát, mức độ và tình thương để không gây những đau đớn, mất mát cả về thể xác lẫn tinh thần cho con trẻ.

Con đã mất, cha rồi sẽ đi tù và cả đời sống trong dằn vặt, mẹ và em sẽ ra sao? Án mạng gia đình thật đau đớn!

Còn với vụ việc ở Thái Bình, người ta bảo cô con gái đã nhiều lần cầm dao, dọa giết cha trước khi cô ta thực sự hành động. Tôi đọc thấy có bài báo viết hành động của cô là cùng cực của sự bất hiếu. Ngẫm ra thì chắc hẳn phải có nguyên cớ gì đó mà cô gái ấy mới thực sự làm những gì mà cô ấy đã dự báo trước. Rồi khi giết cha, cô ấy chắc cũng đau đớn, sợ hãi thế nào mới không thiết sống nữa mà ôm con nhảy sông tự tử, chạy trốn khỏi cuộc đời. Gia đình khi phát hiện người cha chết bất thường, đoán được hung thủ là người nhà nhưng cũng không trình báo cơ quan chức năng. Vậy liệu có phải lỗi từ mỗi cô gái, chỉ do cô ấy tận cùng bất hiếu?

Tôi tin rằng người trong gia đình, nhất là con cái, cha mẹ ruột sinh ra đã có bản năng yêu thương, bảo vệ nhau chứ không dễ gì tước đi sinh mạng của nhau như vậy. Nhưng rồi cuộc sống xô đẩy. Lòng người có thể đổi thay, thậm chí thành gian ác. Hay vì một chút hoàn cảnh không như mong muốn, một chút yêu thương không đúng cách cũng châm ngòi cho mâu thuẫn rồi gây lên án mạng gia đình...

Người trong gia đình cần được yêu thương, chia sẻ và thấu cảm nhiều hơn để tránh những mâu thuẫn dù nhỏ, tránh để tích tụ bức xúc thành căm phẫn. Xã hội ngày nay phát triển nhanh chóng, cha mẹ, con cái có thể thuộc hai hệ tư tưởng, lớn lên trong hai thế giới hoàn toàn khác nhau, cách suy nghĩ cũng có thể khác. Trong khi đó, thời gian nói chuyện, chia sẻ, sinh hoạt cùng nhau giảm nhiều. Bởi vậy mà xa càng xa, mâu thuẫn nhỏ thành mâu thuẫn lớn, tình thương có nhiều nhưng lại hiểu nhầm thành không, đôi khi thái quá lại thành sự ích kỷ, độc ác.

Trong 2 vụ việc trên và trong nhiều vụ việc khác, nếu người trong cuộc và cũng chính là những người trong gia đình cùng nhau chia sẻ, lắng nghe nhiều hơn không phải chỉ trong khoảnh khắc ấy mà trong cả đời sống, cả quá trình thì có lẽ sẽ không ai phải nhói lòng vì án mạng huyết thống.

PHONG TUYẾT