Gia đình

Giữ những bữa cơm gia đình

HẢI YẾN 17/06/2024 15:45

Bữa cơm gia đình là nơi gắn kết các thành viên, là cách “giữ lửa”, góp phần xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nhưng hiện nay những bữa cơm sum vầy ở nhiều gia đình ngày càng bị coi nhẹ…

z5531490558841_1e443fd606cdb4c1c77f24da60432344.jpg
Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hiệp Sơn (Kinh Môn) tổ chức hội thi "Mâm cơm dinh dưỡng" nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam

Bữa cơm ngày càng mai một

Hai vợ chồng chị Đỗ Thị Hồng (ở phường An Thượng, TP Hải Dương) đều đi làm cách nhà hơn chục cây số nên trưa không về mà gọi đồ ăn ngoài. Trong năm học, hai con chị đều ăn bán trú, giờ nghỉ hè thì ăn cùng ông bà nội sống ở bên cạnh. “Buổi tối nhiều khi mệt, tôi ngại nấu nướng thì lại mua cơm hộp, xôi hoặc đổi món là pizza, bánh ngọt cho các con. Tôi chỉ tranh thủ cải thiện bữa ăn cho gia đình vào những dịp cuối tuần”, chị Hồng chia sẻ.

Dù nhà cách cơ quan chỉ 10 phút đi xe nhưng vợ chồng chị Hoàng Thị Ngân (ở phường Tân Bình, TP Hải Dương) vẫn ngại về buổi trưa vì phải nấu nướng vất vả, không còn thời gian để nghỉ ngơi. Do đó, buổi trưa hôm thì hai vợ chồng rủ nhau đi ăn, hôm thì mạnh ai người nấy tự giải quyết.

Gia đình bà Trương Thị Liễu (ở xã Nam Hồng, Nam Sách) có 3 người con cả trai lẫn gái. Trước đây, khi các con chưa lập gia đình, bữa cơm tối của nhà bà Liễu đều rất vui vẻ. “Từ khi các con lấy vợ, lấy chồng và ra ở riêng, chỉ còn hai vợ chồng tôi sống cùng nhau. Ban đầu, cuối tuần các con đều về tập trung ăn uống, trò chuyện vui vẻ. Nhưng mấy năm nay, các cháu lớn dần, cuối tuần không học thêm thì lại học năng khiếu hoặc đi chơi, xem phim, rồi thì con cái bận việc nọ việc kia nên thời gian tập trung của gia đình tôi ngày càng ít, chỉ có dịp giỗ chạp, Tết nhất mới đông đủ”, bà Liễu buồn buồn nói.

Với nhiều gia đình, bữa ăn không chỉ cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn là thời gian quý báu nhất trong ngày khi bố mẹ và các con có thể gần gũi trò chuyện. Trong bữa cơm, các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ, tâm sự cùng nhau về công việc, học tập hoặc những niềm vui, nỗi buồn mình gặp phải trong ngày.

Việc mai một những bữa cơm gia đình khiến các thành viên đều thiệt thòi. Thiếu vắng những bữa cơm gia đình, vợ chồng sẽ ít thời gian dành cho nhau, lâu dần dẫn đến sự thiếu sẻ chia làm tình cảm phai nhạt và có thể dẫn đến rạn nứt hôn nhân. Vắng bữa cơm gia đình cũng khiến cha mẹ thiếu sự quan tâm, gần gũi và chăm sóc con cái.

Đừng để căn bếp nguội

Trong trí nhớ của ông Trương Văn Mát (60 tuổi, ở phường Phú Thứ, Kinh Môn), trước đây, gia đình ông là “tứ đại đồng đường”, bốn thế hệ sống cùng nhau và ăn cùng một mâm cơm. Trong mỗi bữa cơm, ông bà, bố mẹ chia sẻ kinh nghiệm sống, dạy con cháu về sự nhường nhịn, đoàn kết, tôn trọng nhau; con cháu thể hiện sự hiếu nghĩa, tôn kính với ông bà, bố mẹ, từ việc chờ đợi mọi người vào ăn cơm, việc mời mọi người ăn sao cho đúng, việc nhường nhau miếng ngon…

“Rất nhiều kiến thức về đời sống, họ tộc, lễ nghĩa tôi được ông bà, bố mẹ truyền dạy qua những bữa cơm, có những câu dạy bảo tôi vẫn còn nhớ mãi và áp dụng vào cuộc sống. Nhiều tâm tình của các thành viên cũng được thể hiện tại những bữa cơm quây quần này. Chính vì vậy, hiện nay vợ chồng và các con tôi vẫn cố gắng duy trì, gìn giữ những bữa cơm gia đình ấm cúng này”, ông Mát nói.

Với quan niệm, bữa cơm là sợi dây vô hình gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình nên hết giờ làm là vợ chồng anh Trần Đức Hùng (ở phường Thanh Bình, TP Hải Dương) đều cố gắng về nhà sớm nhất để chuẩn bị cơm cho gia đình. Theo anh Hùng, có những bữa vội vàng, không có thời gian chuẩn bị, mâm cơm của gia đình anh chỉ có vài món ăn đơn giản như thịt luộc, rau muống luộc nhưng trong khi ăn, mọi người chia sẻ những chuyện vui vẻ, hài hước nên thấy món ăn cũng ngon hơn, không khí gia đình ấm áp lên nhiều.

Buổi tối là khoảng thời gian vui vẻ nhất của gia đình chị Trần Thị Lý (ở xã Vĩnh Hồng, Bình Giang), bởi thời gian này các thành viên đều có mặt đông đủ. Do đó, dù bận rộn thế nào chị cũng tranh thủ nấu mâm cơm tối theo khẩu vị của các thành viên trong nhà. Gia đình chị Lý không có quan điểm việc nhà là của vợ mà mỗi người một việc. Chồng chị thích nấu ăn nên cũng thường xuyên vào bếp. Chị Lý tâm sự: “Các con tôi thấy bố mẹ như vậy nên cũng biết làm việc nhà. Con gái tôi năm nay 10 tuổi nhưng cũng đã biết nấu một số món đơn giản, biết rửa bát, dọn dẹp nhà cửa. Con trai 7 tuổi cũng đã biết phụ bố mẹ nhặt rau, rửa rau. Có những bữa vừa ăn vừa nghe con khen món này bố nấu ngon, mẹ nấu ngon thì đúng là không còn gì hạnh phúc hơn”.

Dù cuộc sống có hiện đại, bận rộn, phát triển đến đâu thì ý nghĩa của bữa ăn gia đình vẫn không bao giờ thay đổi. Hình ảnh mọi thành viên quây quần bên nhau trong bữa cơm sau một ngày vất vả, mệt nhọc đã in sâu vào tâm trí của nhiều người. Vì vậy, để giữ gìn một gia đình hạnh phúc thì một trong những giải pháp quan trọng có lẽ là việc giữ cho căn bếp của gia đình không bao giờ nguội lạnh.

HẢI YẾN