“Sứ giả” của các ngôi đền ở Hải Dương
Không chỉ chịu trách nhiệm trông coi, giữ đèn nhang cho các ngôi đền, thủ từ (thủ nhang) còn như các “sứ giả”, góp phần quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử của di tích tới du khách thập phương.
Hiểu biết tường tận về di tích
Cuối tuần vừa qua, chị Nguyễn Thị Tuyến, phường Việt Hòa (TP Hải Dương) có dịp đưa con đến tham quan đền thờ Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang). Khi thấy bức ảnh "cụ rùa" treo tại khu vực tiền tế, con gái thắc mắc nhưng chị Tuyến không biết giải thích thế nào. Anh Bùi Văn Trình, thủ từ của ngôi đền liền giới thiệu: Đây là cụ rùa xuất hiện trên sông Luộc trước cửa đền ngay buổi lễ an vị tượng Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ ngày 21/7/2008 (âm lịch). Rùa được người dân đem vào đền.
Nhà sử học Dương Trung Quốc lúc bấy giờ cùng đoàn công tác về làm việc tại đây đã mua lại rùa và đem thả xuống giếng ngọc. “Điều đặc biệt, trên mai rùa có nhiều chi tiết được cho là có liên hệ với Tiên chúa Khúc Thừa Dụ: số 905 là năm ngài cai trị đất nước; hình người con gái đoan trang, xinh đẹp người dân vẫn cho rằng đó là hiện thân con gái người”, anh Trình giải thích thêm.
Trong thời gian làm thủ từ ở đền Kiếp Bạc (TP Chí Linh), cụ Nguyễn Quang Phục, 86 tuổi từng gặp một vị khách Nhật Bản. Người này vào tham quan hậu cung, thấy ban thờ Đức quốc mẫu (phu nhân Trần Hưng Đạo) đã hiểu nhầm là mẹ Trần Hưng Đạo. “Tôi giải thích đó là cách viết tắt tước phong Nguyên Từ Quốc Mẫu của bà, còn bà chính là phu nhân của Trần Hưng Đạo”, cụ Phục nói. Cụ Phục cũng chính là người đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để từ đó, trên biển tên ban thờ Đức quốc mẫu có thêm chi tiết "phu nhân Trần Hưng Đạo".
Năm 2004, đón tiếp đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm đền Kiếp Bạc, ông Phạm Khắc Hồng, Tổ trưởng Tổ di tích Kiếp Bạc giới thiệu: Năm 1947, giặc Pháp đốt trung từ đền Kiếp Bạc… Tổng Bí thư hỏi: Vậy giặc nào đốt đền Trần do nhà Trần làm? Ông Hồng liền nói nhỏ với cụ Phục: “Bác biết, bác ra giới thiệu với đoàn đi”. Cụ Phục mới thưa: “Theo tôi được biết qua học tập và đọc sách, vào thế kỷ XV, giặc Minh tràn sang nước ta chiếm được Kinh thành Thăng Long (khoảng năm 1407). Chừng 2 năm sau, giặc Minh đã tràn đến Kiếp Bạc, đốt phá đền thờ Đức Thánh Trần”. Nghe đến đây, Giáo sư Vũ Khiêu đi cùng đoàn lên tiếng: “Thưa anh Mười, giặc Minh không những đốt phá đền mà còn đập phá văn bia đá để hòng thủ tiêu nền văn hóa Đại Việt”. Nghe xong, Tổng Bí thư Đỗ Mười bắt tay và mời cụ Phục chụp ảnh kỷ niệm cùng đoàn.
Cụ Phục cho rằng, việc am hiểu tường tận về di tích nơi mình trông coi là rất cần thiết. “Không chỉ hiểu biết về di tích, danh nhân, vị trí từng ban thờ mà còn cần mở rộng thêm những kiến thức khác để giải đáp ngay khi khách cần”, cụ Phục nói.
Tuyển chọn khắt khe
28 năm phụng sự việc Thánh ở đền Tranh (Ninh Giang), bà Trần Thị Với, 72 tuổi ngày nào cũng dậy từ 4 giờ thắp hương, đèn, nến, thay nước, bao sái các ban thờ. “Trời mưa bão cũng vẫn vậy”, bà Với nói.
Sau khi xung quanh đền được quét dọn sạch sẽ, bà Với lại bắt đầu công việc đón tiếp, hướng dẫn khách thập phương tham quan, hành lễ, thậm chí “kêu thay lạy đỡ” khi du khách có nhu cầu. Vào những dịp lễ hội, Tết, những thủ từ như bà Với sẽ phải lo sắp lễ tất cả các ban thờ trong di tích, tham gia một số nghi thức quan trọng… 28 năm làm việc ở đền Tranh, bà còn góp công không nhỏ trong việc vận động khách thập phương công đức, kiến thiết ngôi đền từ 3 gian nhà tre trở nên khang trang như hiện nay.
Trước đây, khi còn là một cô gái trẻ, bà Với làm công nhân Nhà máy Xay Ninh Giang, song nhờ căn duyên và được chính quyền xã, nhân dân tín nhiệm bầu làm thủ từ, trông coi ngôi đền.
Đa số các thủ từ đều được địa phương hoặc dân làng bầu ra với nhiều tiêu chí như: tuổi từ 60 trở lên, sức khỏe tốt, ngoại hình ưa nhìn, gương mặt phúc hậu, là người uy tín, đức độ, gia đình văn hóa, có trình độ hiểu biết nhất định…
Riêng ở đền Kiếp Bạc, việc tuyển chọn thủ từ còn được tổ chức thành cuộc thi với nội quy, quy chế rõ ràng. Mỗi khóa có 4 thủ từ được tuyển chọn. Việc thi tuyển được tổ chức trước Tết Nguyên đán hằng năm. Ở mỗi cuộc thi đều thành lập Hội đồng tuyển chọn. “Trước kia, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn do đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm nhiệm. Từ năm 2021, sở đã giao cho Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc. Chúng tôi cùng với chính quyền xã Hưng Đạo sẽ chịu trách nhiệm tuyển chọn các cụ từ”, tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc cho biết.
Cũng theo tiến sĩ Mạnh, các thí sinh sẽ thi 3 phần: 1 bài thi viết thể hiện sự hiểu biết về di tích, thời gian 60 phút; 1 phần thi vấn đáp về quy định thủ từ được làm gì, không được làm gì và câu hỏi phụ; phần thi viết sớ. Riêng phần thi viết sớ, thí sinh phải đạt được 5 điểm mới đạt yêu cầu…
Lý do việc tuyển chọn cụ từ diễn ra nghiêm ngặt, đáp ứng nhiều tiêu chí bởi theo quan niệm dân gian, phụng sự việc Thánh không thể qua loa. Ngoài ra, thủ từ là người thường xuyên tiếp xúc với du khách, gồm nhiều tầng lớp nhân dân nên cần có trình độ.
Hiện nay, chưa có thống kê cụ thể số lượng thủ từ, thủ nhang nhưng trên địa bàn tỉnh Hải Dương có gần 200 ngôi đền. Ngoài ra còn có gần 400 nghè, miếu… Ở những cơ sở thờ tự này thường có các cụ từ, thủ nhang trông coi, hương khói. Công việc khá nhiều nhưng hiện các chế độ của thủ từ còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu tự có của cơ sở thờ tự.