Trung Quốc ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ
Trong tuần này, nhiều vùng ở miền Bắc và miền Trung Trung Quốc ghi nhận nền nhiệt cao kỷ lục, trong khi hạn hán nghiêm trọng ở miền Đông đang đe dọa mùa màng.
Các nhà khoa học dự báo Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác ở châu Á cần chuẩn bị các biện pháp sẵn sàng ứng phó thời tiết nắng nóng cực kỳ khắc nghiệt trong mùa Hè 2024.
Theo Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung quốc (NMC), Trung Quốc đang phải đối mặt với nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày qua, nhiệt độ có thể lên tới 42 độ C tại tỉnh Hà Bắc (Hebei) ở miền Bắc trong ngày 12/6. Hơn 20 trạm thời tiết ở tỉnh Hà Bắc và tỉnh Sơn Đông ở phía Đông đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục theo mùa trong 10 ngày đầu tiên của tháng 6. Ngày 11/6, NMC đã ra cảnh báo về tác động của nhiệt độ tăng cao đối với hoạt động cung cấp năng lượng, trồng trọt và sức khoẻ của người dân.
Dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục bao trùm miền Bắc Trung Quốc đến ngày 20/6, với mức nhiệt có thể bằng hoặc vượt mức kỷ lục từng được ghi nhận tại các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây cũng như tỉnh Hà Nam ở miền Trung.
Dữ liệu cho thấy, Trung Quốc cũng đã trải qua thời tiết ấm bất thường trong phần lớn thời gian từ đầu năm đến nay, trong đó nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 5 ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1961.
Không chỉ riêng Trung Quốc, các nước châu Á khác như Ấn Độ và Thái Lan cũng đã trải qua nắng nóng kéo dài từ vài tháng qua. Miền Bắc Ấn Độ đang vật lộn với điều kiện thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, với mức nhiệt vượt quá 50 độ C vào cuối tháng 5. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Ấn Độ ngày 1/6 cho biết đã ghi nhận gần 25.000 trường hợp sốc nhiệt và 56 trường hợp tử vong kể từ tháng 3.
Các nước khác như Pakistan hay Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng các đợt nắng nóng khắc nghiệt.
Từ tháng 4, nhiều khu vực ở châu Á chìm trong nắng nóng kỷ lục, khiến hàng trăm người thiệt mạng, mùa màng hư hại và nhiều trường học đã buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu mà biểu hiện là sự nóng lên toàn cầu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn và khắc nghiệt hơn, hạn hán, lũ lụt, mực nước biển sẽ dâng cao hơn và các sông băng có xu hướng tan nhanh hơn.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, "xô đổ" kỷ lục về nắng nóng ghi nhận năm 2023. Mặc dù vậy, tổ chức này nhận định, sự trở lại của hiện tượng thời tiết La Nina trong năm nay sẽ có thể đem lại thời tiết mát mẻ hơn cho một số khu vực trên Trái Đất.