Người Mỹ không còn thích nhà gần cơ quan
Lái xe từ 120 km trở lên để đi làm đang trở nên phổ biến ở Mỹ khi chi phí nhà cửa ở các thành phố lớn đắt đỏ và sự phát triển của công nghệ làm việc từ xa.
Năm ngoái, gia đình bốn người của Craig Allender chuyển từ Novato, California sang quận Sonoma bởi ngôi nhà mới rộng hơn rất nhiều nhưng chi phí thấp hơn.
Điều này cũng có nghĩa quãng đường đi làm từ 50 km của Allender đã tăng lên 120 km. Anh cho biết may mắn vì chỉ phải đi làm ba ngày một tuần. "Nếu tôi phải đến văn phòng năm ngày một tuần thì không thể chịu đựng nổi", Allender, Giám đốc điều hành của một công ty kỹ thuật ở Oakland nói.
Một phân tích gần đây dựa trên dữ liệu định vị vệ tinh của 10 thành phố lớn nhất nước Mỹ cho thấy Allender không đơn độc. Khi kiểm tra hai triệu lượt đi làm vào buổi sáng trong cùng khoảng thời gian của năm 2024 và 2019, các nhà kinh tế Nick Bloom và Alex Finan của Đại học Stanford nhận thấy số lượng chuyến đi dài hơn tăng nhiều nhất trong bốn năm.
Những người đi làm từ 80 đến 120 km tăng 18%, trong khi những người từ 120 km trở lên tăng 32%. Theo phân tích dữ liệu từ công ty nghiên cứu giao thông vận tải INRIX, những chuyến đi làm dưới 55 km đã giảm.
"Dữ liệu chỉ ra sự thay đổi trong quan niệm chỗ ở gần chỗ làm. Nguyên nhân chính là do mô hình làm việc hybrid working (làm việc linh hoạt)", Bloom nói.
Một chuyến lái xe hai giờ, thực hiện hai lần một ngày đang trở thành hành trình đi làm thông thường. "Sự khác biệt hiện nay là nhiều trong số những người đi làm này thực hiện việc đó một hoặc hai lần một tuần", chuyên gia này nói thêm.
Theo nghiên cứu của Stanford, các thành phố có số lượt đi làm trên 100 km mỗi chiều là Washington, DC, Thành phố New York, Phoenix và Dallas. Nhưng hiện nó đang diễn ra trên khắp đất nước.
Nghiên cứu của Gusto, một công ty phần mềm tính lương và phúc lợi, cho thấy những nhân viên trẻ và người có thu nhập cao trên 250.000 USD đang chọn sống xa văn phòng.
Cụ thể trong nghiên cứu từ người lao động của hơn 6.800 doanh nghiệp cho thấy khoảng cách trung bình đã tăng từ 16 km năm 2019 lên 43 km vào năm 2023. Với những nhân viên ở độ tuổi cuối 30, khoảng cách đó tăng gần gấp ba, lên mức 47 km.
Trào lưu rời xa trung tâm đô thị đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Nó được tăng tốc gần đây hơn với những tiến bộ công nghệ giúp làm việc tại nhà. "Việc làm sẽ dần phân tán khắp các khu vực đô thị, bao gồm cả vùng ngoại ô", Bob Pishue, nhà phân tích giao thông vận tải tại INRIX cho biết.
Và theo nhà phân tích chính sách đô thị Wendell Cox, người sáng lập Demographia, một công ty chính sách công ở St. Louis, từ năm 2021 đến năm 2023, 56 khu vực đô thị lớn ở Mỹ đã giảm 1,9 triệu người do chuyển đi nơi khác.
Stephanie Shui, 37 tuổi, cho biết cô và chồng đã đánh đổi cuộc sống ở New York để lấy ngôi nhà có hồ bơi ở Connecticut và quãng đường đi lại 80 km đến Manhattan mất ba giờ đi lại.
"Điều đó thật mệt mỏi, mặc dù tôi chỉ ở văn phòng ba ngày một tuần", Shui, giám đốc điều hành chiến lược của một công ty nói.
Vào các buổi chiều từ thứ 3 đến 5, Shui cố gắng rời văn phòng trước 16h. Phải mất 90 phút hoặc hơn mới về nhà ở New Canaan để thay người bảo mẫu lúc 18h. Cô sẽ dành một hoặc hai giờ sau đó vào buổi tối để xử lý các cuộc gọi và email.
Bà mẹ của hai con nhỏ cho biết không hối hận về quyết định chuyển đi ba năm trước. Tuy nhiên, cuộc chạy đua với thời gian có thể rất căng thẳng. "Tôi không tưởng tượng được việc chạy xe hai giờ trên đường cao tốc kinh khủng thế nào", cô nói, chưa kể mất 74 USD phí cầu đường và chi phí đỗ xe một ngày.
Một số công ty đã bắt đầu cung cấp dịch vụ đưa đón những nhân viên ở xa. Daniel Montgomery, một giám đốc nhà máy nói rằng kể từ khi bắt đầu sử dụng xe cơ quan cách đây 9 tháng, anh đã tiết kiệm được 250 USD tiền xăng mỗi tháng và dành thời gian lái xe để nghe tin tức cũng như trò chuyện với 5 nhân viên khác trong xe. Montgomery đã lái xe 115 km đến cơ quan trong suốt hai thập kỷ.
"Lái xe gần 230 km một ngày thực sự mệt mỏi" anh nói.