Xây dựng Đảng

Cần chuẩn mực để tạo dựng vững chắc “cái gốc của mọi công việc” - Bài 3: “Rửa mặt hằng ngày” để tránh “dơ bẩn”

NGUYỄN TRI THỨC, Ủy viên Bộ Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san Tạp chí Cộng sản 14/06/2024 11:00

Sinh thời, Bác Hồ giáo dục cán bộ bằng những diễn ngôn với hình ảnh giản dị, dễ nghe, dễ hiểu nhưng vô cùng thâm thúy, sâu sắc. Người khuyên cán bộ, đảng viên “phải thường xuyên và tự giác tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt hằng ngày”. Quyết định 144 Đảng ta ban hành thêm một sự nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “rửa mặt hằng ngày”, để tránh xảy ra những sự “dơ bẩn” như tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... làm mất uy tín, suy yếu Đảng, đất nước.

nguyenphutrong_1.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Ảnh: TTXVN

Sự lơ là và những hậu quả đáng tiếc

Thực tế, để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay, Đảng ta đã thực hiện hết sức nghiêm túc, hiệu quả các nguyên tắc của mình, trong đó có nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Những chuẩn mực đạo đức cách mạng như Quy định 144 nêu ra được chú trọng thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Việc tự soi, tự sửa, nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân mình, kết quả công việc để từ đó tìm ra nguyên nhân của cả thành công, hạn chế và tìm cách đẩy mạnh, khuyến khích, thúc đẩy những kết quả tích cực, đồng thời tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, sai lầm đã mắc phải luôn được coi trọng. Thế nhưng, không phải cá nhân, tập thể nào cũng coi chuyện này như việc “rửa mặt hằng ngày”.

Đây đó cũng có những xao nhãng, lơ là trong việc không thể thực hiện đúng các yêu cầu, tiêu chí của chuẩn mực đạo đức cách mạng để rồi dẫn đến những sai lầm, sai phạm gây hậu quả đáng tiếc ở nhiều cá nhân, tập thể, cấp độ khác nhau. Vì không chú trọng “rửa mặt hằng ngày”, không tự soi, tự sửa nên không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã mắc phải những sai lầm, khuyết điểm hết sức đáng tiếc, để rồi nhiều người vướng vòng lao lý, làm xấu hình ảnh của người cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Rõ ràng là không ít cán bộ, đảng viên đã thờ ơ, xem nhẹ việc tu dưỡng rèn luyện, từ bỏ việc học tập nâng cao trình độ, phớt lờ những nguyên tắc, quy định, không gương mẫu, khiêm tốn, thậm chí còn hống hách, độc đoán, thờ ơ, không thể hiện đúng vai trò “đầy tớ”, “công bộc của nhân dân”, không phục vụ lợi ích tập thể, đất nước... Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Con số này được đưa ra tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng diễn ra ngày 13/3/2024. Chủ trì phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, còn một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…

Tại Kỳ họp thứ 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/5/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Văn phòng Chính phủ, Cơ quan Văn phòng Quốc hội. Đó đều là những cán bộ, đảng viên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác.

canbo_2.jpg
Công chức bộ phận "một cửa" phường Việt Hòa (TP Hải Dương) phục vụ người dân. Ảnh: Phong Tuyết

Rất cần thiết phải “rửa mặt hằng ngày”

Những sai phạm của cá nhân và tập thể đã rõ ràng và phải chịu những hình thức kỷ luật thích đáng. Điều đó cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nói riêng. Điều đáng chú ý là, trong bối cảnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Chấp hành Trung ương kiên quyết tiến hành, trong bối cảnh niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đang lên cao, người dân hết mực ủng hộ việc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, các thế lực thù địch, phản động lại có những ý kiến xuyên tạc, bóp méo sự thật, gây ít nhiều hoang mang, hoài nghi trong xã hội, trong đó có cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Trong bối cảnh ấy, việc thực hành Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới là hết sức kịp thời và cần thiết. Đó là dịp để chúng ta thể hiện lòng yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Là việc “xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân”. Đó cũng chính là việc thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; là thể hiện tinh thần “đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; là nêu cao sự “gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời”... Mà biểu hiện cụ thể, sinh động, thiết thực hơn, đó chính là việc “trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”trong nội bộ”. Đó cũng chính là thể hiện sự “trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”; là “gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng”...

Có thể khẳng định rằng, việc thực hành “rửa mặt hằng ngày” để thấy rõ mình, để thực hành tốt các chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay là bắt buộc, phải tiến hành thường xuyên. Có như thế, chúng ta mới có thể kịp thời phát hiện những những sự “dở bẩn” trên “khuôn mặt” mình, từ đó nhận diện nguy cơ, mầm mống “bệnh tật” để có biện pháp phù hợp ngăn chặn, xử lý triệt để, hiệu quả, tránh những mối nguy hại luôn là cần thiết, với phương châm “phòng hơn chống”… Và tất nhiên, đi kèm theo đó là sự nhắc nhở, răn đe, xử lý kịp thời với những sai phạm, để tránh xảy ra những sai sót, vi phạm đáng tiếc ở các cấp độ, mức độ khác nhau. Có như thế, mỗi cán bộ, đảng viên mới thực sự biết mình ở đâu, như thế nào để tránh sự “dơ bẩn” mắc phải trong quá trình sinh hoạt, công tác. Và khi mỗi cán bộ, đảng viên đều thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả những quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng thì Đảng ta sẽ vững vàng hơn, xứng đáng lãnh đạo, đưa đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trên mọi lĩnh vực, ngày càng có vị thế, uy tín vững chắc trên trường quốc tế.

--------------------------------------------

Kỳ sau: “Gốc” có vững, Đảng mới mạnh

NGUYỄN TRI THỨC, Ủy viên Bộ Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san Tạp chí Cộng sản