Mỗi câu chữ vắt kiệt lên cuộc đời
Bài thơ "Ngôi chùa" vừa là tâm sự với đồng nghiệp, vừa là lời tự nhắc nhở mình mỗi khi cầm bút của Huy Trụ.
NGÔI CHÙA
(Kính tặng các nhà văn, nhà báo nhân ngày 21/6)
Giữa dòng trong, đục ngổn ngang
Bao nhiêu phẩm giá bầy sàng bán mua...
Trong tôi còn một ngôi chùa
Linh thiêng... từ thuở... đến giờ vẫn thiêng
Ngôi chùa những bút cùng nghiên
Mỗi câu chữ vắt kiệt lên cuộc đời...
Cái danh đâu phải để chơi
Càng không thể để tiếng cười điêu toa
Chả chi... cũng gọi là nhà
Cái hương phải thật, cái hoa phải nồng...
Muôn đời con cháu ước mong
Nén hương thắp tự trong lòng thắp ra...
HUY TRỤ
Nhà thơ Huy Trụ đã có mấy chục năm làm báo, có điều kiện đi đến hầu khắp các vùng miền trong cả nước. Ông có hàng trăm bài báo, hàng trăm bài thơ được đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà thơ, nhà báo Huy Trụ đã gửi tới bạn đọc bài thơ "Ngôi chùa". Bài thơ là lời tâm sự nghề nghiệp, được in trong tập thơ thứ 11 “Buồn vui con chữ” (NXB Hội Nhà văn, tháng 6/2023) của ông.
Báo chí là nghề có chức năng và sứ mệnh cao quý, chuyển tải kịp thời những thông tin chân thực về mọi mặt đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa… của đất nước. Để làm được điều đó, nhà báo phải bắt đầu sự nghiệp bằng tấm lòng trong sáng vì nước, vì dân, tôn trọng pháp luật, đáp ứng các yêu cầu đạo đức nghề nghiệp. Bài thơ Ngôi chùa của Huy Trụ cũng bao hàm các nội dung cơ bản ấy.
Không thể phủ nhận nghề báo là một nghề nhọc nhằn, vất vả nhưng cũng rất vinh quang. Là người từng viết báo, làm thơ, hơn ai hết Huy Trụ càng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn và vinh quang ấy. Hai câu thơ mở đầu: “Giữa dòng trong, đục ngổn ngang/ Bao nhiêu phẩm giá bầy sàng bán mua...” là một thực trạng khó khăn dễ thấy của nghề báo. Sống trong một xã hội không ngừng biến động, cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ về vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao, đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh vững vàng, kiên quyết đấu tranh với những tiêu cực trong xã hội. Khó khăn nhất là nhiều khi phải đấu tranh với chính bản thân mình, trước những cám dỗ, cạm bẫy của cuộc đời, mà tác giả gọi là “Bao nhiêu phẩm giá bầy sàng bán mua”...
Thực trạng này cho thấy, ranh giới giữa phẩm giá và phi phẩm giá thật mong manh. Để giữ cho tâm thật sáng, lòng thật trong là điều không dễ. Khó khăn là thế nhưng Huy Trụ và những người làm báo chân chính luôn tin tưởng, tự hào bởi: “Trong tôi còn một ngôi chùa/ Linh thiêng... từ thuở... đến giờ vẫn thiêng”.
Ngôi chùa hiểu theo nghĩa đen là công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng, là nơi để con người tu tâm dưỡng tính, hướng tới những điều tốt đẹp nhất. Nhưng ngôi chùa ở đây lại được hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ chỉ lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút. Đó là nơi “Bất khả xâm phạm”, là lĩnh vực “Linh thiêng... từ thuở... đến giờ vẫn thiêng” và mãi mãi vẫn là như vậy.
Nếu như 4 câu thơ đầu, nhà thơ giới thiệu khái quát về sự linh thiêng của ngôi chùa, thì khổ thơ tiếp theo lại cụ thể hóa hơn về ngôi chùa của người làm báo:“Ngôi chùa những bút cùng nghiên/Mỗi câu chữ vắt kiệt lên cuộc đời.../Cái danh đâu phải để chơi/Càng không thể để tiếng cười điêu toa”.
Vũ khí của nhà báo là bút nghiên, là tâm, đức, tài, mà mỗi người cần phải có. Để có được điều đó, người làm báo phải không ngừng rèn bút, luyện tài, sao cho “Mỗi câu chữ vắt kiệt lên cuộc đời...”. Động từ mạnh “vắt kiệt” khắc họa chính xác nỗi nhọc nhằn, gian nan của người cầm bút.
Tác giả ý thức sâu sắc rằng:“Cái danh đâu phải để chơi/ Càng không thể để tiếng cười điêu toa". Đó chính là tự trọng nghề nghiệp của người làm báo. Bác Hồ từng dạy, trước khi hạ bút phải đặt cho mình mấy câu hỏi: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Trả lời được những câu hỏi đó, người viết mới mong có được bài báo hay, hấp dẫn, thu hút được độc giả, tạo được “thương hiệu” riêng cho mình. Muốn thế, người làm báo phải không ngừng học hỏi, đào sâu suy nghĩ, phải luôn biết tự hào với những vinh quang của nghề, để vượt qua những nhọc nhằn cố hữu. Mỗi câu mỗi chữ viết ra, phải có trách nhiệm với con người và cuộc đời. Bởi lẽ: “Chả chi... cũng gọi là nhà/Cái hương phải thật, cái hoa phải nồng.../Muôn đời con cháu ước mong/Nén hương thắp tự trong lòng thắp ra...”.
Bằng nghệ thuật ẩn dụ, khổ thơ cuối đề cập đến yêu cầu bắt buộc của nhà báo. Đó là sự phản ánh chân thực, kịp thời, hiệu quả, tránh xa những màu mè, nhạt nhẽo, xáo rỗng. Ở đây, nhà thơ dùng danh từ “hương” và “hoa” đi kết hợp với tính từ “thật”, “nồng” để chỉ độ trung thực và chất lượng của mỗi trang viết. Hay nói đúng hơn, đó là lương tâm, trách nhiệm của mỗi người cầm bút trong việc phản ánh kịp thời, chính xác, trung thực, hiện thực khách quan.
Câu thơ cuối “Nén hương thắp tự trong lòng thắp ra...” đem lại cho bài thơ một cái kết đẹp, giàu ý nghĩa. Vẫn là cách nói ẩn dụ gợi cho người đọc những liên tưởng thú vị về đặc thù cơ bản của nghề báo. Các từ: linh thiêng, bút nghiên, câu, chữ, hương (thật), hoa (nồng), nén hương, thắp, nằm trong trường từ vựng ngôi chùa, tất cả đã nói lên tính chất quan trọng và yêu cầu cao của nghề báo, “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du).
Do đó, làm công việc gì, tâm cũng phải trong sạch, vô tư, hướng thiện, với nghề báo, điều này càng cần thiết:“Nén hương thắp tự trong lòng thắp ra...”. Cho nên, người làm báo trước hết phải trung thực với chính bản thân mình, sau mới nói đến trung thực với người khác, với xã hội, để cái xấu tàn lụi, cái tốt đẹp mãi được nhân lên.
Là người có thâm niên trong nghề báo, Huy Trụ thấu hiểu và càng thấm thía những vinh dự và gian nan nghề nghiệp. Thế nên, bài thơ "Ngôi chùa" vừa là tâm sự với đồng nghiệp, vừa là lời tự nhắc nhở mình mỗi khi cầm bút. Từ những nhọc nhằn, vinh quang của nghề báo, nhà thơ muốn lan tỏa đến đồng nghiệp và độc giả tình yêu nghề và niềm tự hào của những người làm báo. Bởi chỉ có dấn thân, yêu nghề, người làm báo mới có thể hoàn thành sứ mệnh cao quý, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân.