Trách nhiệm xã hội của nhà báo
Giới báo chí cả nước đang tưng bừng kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Đây là lúc những nhà báo dù trẻ hay già, nổi tiếng hay còn thầm lặng đều dành cho mình một khoảng suy ngẫm về nghề, nhất là trách nhiệm xã hội của nhà báo.
Cuối tháng trước, dư luận ồn ào quá mức xung quanh bữa liên hoan của một lớp ở Trường Tiểu học Gia Lương (Gia Lộc, Hải Dương). Người mẹ không đóng quỹ hội cha mẹ học sinh nên con không được ăn liên hoan cùng các bạn. Để dư luận dậy sóng cũng một phần do bài viết trên một tờ báo điện tử mang tính một chiều, phiến diện. Thấy nhiều bạn đọc bức xúc, phản ứng, tờ báo nọ đã thay tít tới 4 lần. Sau đó, một số tài khoản Facebook đăng bài khen, nể người mẹ “dũng cảm”, “đấu tranh” với những cái sai trái, vô lý. Rồi chị chia sẻ những nội dung này trên trang cá nhân và viết “cảm ơn nhà báo”. Chẳng biết tài khoản Facebook ấy có phải của nhà báo hay không nhưng rõ ràng câu chuyện xấu xí, ồn ào này tiếp tục bị đẩy lên mức cao hơn vì có tiếng nói ủng hộ của "nhà báo".
Chưa bao giờ câu chuyện trách nhiệm xã hội của nhà báo được nhắc tới nhiều như hiện nay. Nhà báo là một công dân, một thành viên trong xã hội. Những gì nhà báo thể hiện trong tác phẩm báo chí, trước hết phải xuất phát từ ý thức của một công dân tốt. Trách nhiệm xã hội của nhà báo không khác nhiều với những nghề khác như trung thực, nhân văn, vì lợi ích chung của tập thể, cộng đồng, xã hội… Tuy nhiên, với vai trò, vị trí, tầm ảnh hưởng, một quan điểm, một tư tưởng, trào lưu thông qua báo chí có thể trở thành vấn đề của toàn xã hội.
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, người dân tiếp cận thông tin ở nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nhiều nguồn tin không đúng, sai sự thật, được tạo ra một cách có dụng ý, thậm chí ác ý, vì những lợi ích riêng, hoặc để gây hiểu lầm, chia rẽ… Lúc này, trách nhiệm của nhà báo là bằng kỹ năng, khả năng tiếp cận, xử lý, thẩm định thông tin nhiều chiều, truyền tới người dân những thông tin trung thực, khách quan, có trách nhiệm, tăng đến mức tối đa các tác dụng tích cực và giảm đến mức tối thiểu các hậu quả tiêu cực đối với xã hội.
Trách nhiệm xã hội cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt của nhà báo trong công tác truyền thông. Tin của báo chí khác tin trên mạng xã hội ở chỗ phải có trách nhiệm của cơ quan báo chí, của nhà báo trong mỗi dòng tin. Có trách nhiệm xã hội, nhà báo sẽ biết điểm dừng giữa ranh giới mong manh của việc đưa tin thế nào có lợi cho cộng đồng, xã hội với việc đưa tin mà mục đích duy nhất là để "câu view”.
Không phải ngẫu nhiên mà hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đề nghị báo giới cả nước tăng cường thông tin phân tích, phát huy vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp. Không né tránh những vấn đề tiêu cực nhưng đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục, giải quyết theo hướng nhân văn, phù hợp luật pháp. Tại buổi đến thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.
Thời gian qua, những người làm báo ở Hải Dương đã ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội của mình phải đảm đương, gánh vác. Các nhà báo luôn tận tụy dấn thân, cống hiến, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để giữ gìn và ngày càng làm đẹp thêm vị thế, uy tín, danh dự nghề báo.
Bác Hồ - nhà báo vĩ đại đã từng dạy: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, và phần xấu bị mất đi…”. Đó chính là trách nhiệm cao cả của nhà báo trước nhân dân, cộng đồng, xã hội, vì đằng sau tin tức là những số phận con người.