Xây dựng Đảng

Cần chuẩn mực để tạo dựng vững chắc “cái gốc của mọi công việc”- Bài 1: Một tháng ban hành 3 quy định quan trọng, cần thiết

NGUYỄN TRI THỨC, Ủy viên Bộ Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san Tạp chí Cộng sản 12/06/2024 05:30

Trong vòng 1 tháng, Bộ Chính trị ban hành 3 quy định quan trọng, cần thiết, kịp thời liên quan đến công tác cán bộ. Những quy định rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, phù hợp liên quan đến công tác cán bộ trong bối cảnh mới cho thấy Đảng ta thường xuyên quan tâm đến công tác cán bộ, bởi đó là việc hệ trọng, quyết định sự tồn vong của Đảng.

100446_tu_tuong_ho_chi_minh_ve_cong_tac_can_bo_1585879621.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên

Những quy định rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu

Ngày 23/4/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 142-QĐ/TW, thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (gọi tắt là Quy định 142). Quy định gồm 7 điều, thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm kể từ khi ban hành, nêu rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc thực hiện; thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như việc tổ chức thực hiện. Trong đó, nguyên tắc quan trọng là: “Bảo đảm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; nguyên tắc tập trung dân chủ; công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, giữ gìn đoàn kết nội bộ; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị”. Đồng thời, “người đứng đầu được quyền xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng của tổ chức, cơ quan, đơn vị ở cấp hành chính do mình trực tiếp quản lý theo quy định” và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ngày 9/5, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định 144). Quy định 144 gồm 6 điều, có hiệu lực từ ngày ký và phổ biến đến chi bộ để thực hiện. Nội dung của quy định hết sức ngắn gọn, cô đọng, xúc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, nêu rất cụ thể yêu cầu về 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Cụ thể là: 1. Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; 2. Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; 3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; 4. Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; 5. Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Đối với từng điều, có những điểm cụ thể, rõ ràng được nêu ra, khá định lượng chứ không hề định tính, khó thực hiện...

Đúng 1 tháng sau ngày ban hành Quy định 142, ngày 23/5, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (Quy định 148). Quy định gồm 12 điều, có hiệu lực từ ngày ký. Quy định nêu rõ thẩm quyền tạm đình chỉ trong cơ quan hành chính nhà nước, từ Thủ tướng Chính phủ; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; tổng cục trưởng và tương đương; cục trưởng và tương đương đến chủ tịch UBND cấp tỉnh; người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp huyện đến người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện; chủ tịch UBND cấp xã.

Quy định số 148 quy định rõ căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, đồng thời nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác.

Rất cần thiết

quang-canh.jpg
Hội nghị triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2025 nêu rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

Việc ban hành các quy định này là hết sức cần thiết, phù hợp nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tại sao chỉ trong vòng đúng 1 tháng, Bộ Chính trị ban hành tới 3 quy định về công tác cán bộ. Tại sao cần nhắc lại những điều rất quen thuộc, phải ban hành cụ thể những chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên vào thời điểm này? Tại sao lại triển khai sâu rộng đến chi bộ, nghĩa là đến tất cả hơn 5,3 triệu đảng viên và gần 52.000 tổ chức cơ sở đảng trong cả nước? Tại sao lại đề cao trách nhiệm, cũng như phân quyền cho người đứng đầu để chủ động thực hiện công việc?

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, một trong những căn cứ quan trọng để Bộ Chính trị ban hành các Quy định 142 và 144, đó là căn cứ Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều này để thấy rằng, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc được Đảng ta tiến hành thường xuyên, liên tục. Có như thế mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, manh nha hoặc có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tất nhiên, đi kèm với việc ngăn chặn, đẩy lùi là việc xử lý nghiêm, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người vi phạm là ai, giữ chức vụ, vị trí công tác nào đi chăng nữa.

Tiếp theo, cần thiết phải nhắc lại và nhấn mạnh rằng, trong 3 nhiệm kỳ gần đây (Đại hội lần thứ XI, XII và XIII), Đảng ta đều chọn Hội nghị Trung ương 4 - hội nghị đầu mỗi khóa - để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp nối, duy trì mạch nguồn xuyên suốt việc thực hiện nguyên tắc quan trọng là tự phê bình và phê bình của Đảng ta kể từ khi thành lập. Trong suốt lịch sử hơn 94 năm từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng việc “tự chỉ trích”, tự soi, tự sửa, mạnh dạn nhìn thẳng vào những yếu kém, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng để tìm giải pháp sửa chữa, khắc phục và ngày càng hoàn thiện đường lối lãnh đạo của Đảng, phù hợp bối cảnh, tình hình cụ thể, đáp ứng tốt nhất những vấn đề, đòi hỏi đặt ra.

Một vấn đề khác, trong bối cảnh còn những sự lơ là, xao nhãng, sai phạm trong việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên, việc siết chặt kỷ luật công tác, duy trì, tu dưỡng đạo đức cách mạng, nêu cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu là hết sức bình thường, thậm chí cấp bách, để giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Có tự soi, tự sửa thường xuyên, liên tục như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, cả Đảng ta nói chung mới có thể sửa chữa, khắc phục những sai lầm, hạn chế, ngày càng hoàn thiện mình, đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Kỳ 2: Kiên định các nguyên tắc sinh hoạt Đảng

NGUYỄN TRI THỨC, Ủy viên Bộ Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san Tạp chí Cộng sản