Tản văn

Sống để viết

NAM HỒNG 20/06/2024 15:44

Sống hết mình, “sống đã rồi hãy viết” vẫn luôn là ''kim chỉ nam'' cho những người cầm bút.

Mỗi dịp tháng sáu về, người làm báo lại nhận được những lời chúc mừng, động viên, khích lệ vì tháng sáu có một ngày đặc biệt - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, ngày tôn vinh những người đang sống với nghề viết, phản ánh, đưa tin, bình luận kịp thời mọi vấn đề, mọi ngóc ngách của đời sống xã hội muôn màu phục vụ độc giả, khán thính giả.

Tháng sáu cũng là dịp để người làm báo suy tư, trăn trở, làm thế nào để mài sắc ngòi bút, làm thế nào để giữ được cái tâm trong sáng, sự chính trực trong từng con chữ? Phải chăng lẽ sống chính là điểm tựa của nghề? Sống hết mình, “sống đã rồi hãy viết” vẫn luôn là kim chỉ nam cho những người cầm bút.

Lẽ sống làm điểm tựa, lẽ sống sẽ soi đường cho lòng trong, tâm sáng để người viết mang lại những điều hữu ích cho sự phát triển nghề nghiệp của mình. Trong thời đại công nghệ số, khi các trang mạng xã hội tràn ngập những thông tin chưa được kiểm chứng, cập nhật từng giờ, từng phút thì người làm báo càng cần có bản lĩnh, có lương tâm nghề nghiệp. Muốn làm được điều đó, nhà báo cần lăn lộn vào những ngõ ngách của đời sống xã hội, cần nắm bắt thực tiễn nhanh nhạy, tích lũy vốn sống dồi dào.

Lẽ sống đúng đắn, tích cực chẳng khác nào ''kim chỉ nam'' định hướng mọi hoạt động của người làm báo. Dù là phóng viên, biên tập viên, dù ở bất cứ vị trí nào trong một ê kíp, mỗi thành viên đều có trách nhiệm với công việc của mình, làm việc với tinh thần hăng say và sáng tạo không ngừng, mang đến những điều mới mẻ, hấp dẫn cho bạn đọc.

Sự sáng tạo đòi hỏi người làm báo phải năng động, luôn tìm tòi, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để tạo nên thành quả. Nhà báo càng cần tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, hòa mình vào sự vận động của đời sống để nắm bắt và phản ánh kịp thời những vấn đề nóng bỏng mang tính thời sự.

Lẽ sống hết mình với nghề sẽ thổi bùng niềm hứng khởi, khơi nguồn cho những cảm xúc tích cực thăng hoa, thôi thúc nhà báo tạo ra những tác phẩm có chất lượng, đem đến cho người đọc, người xem, người nghe những hiệu ứng lan tỏa. Còn niềm hạnh phúc nào hơn khi công việc của mình đem lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Mỗi năm đến "ngày của những người làm báo", ta càng thấm thía hơn lời dạy của Bác: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà…". Không chỉ là “phò chính, trừ tà” mà ngòi bút của nhà báo còn phải mang lại giá trị tốt đẹp cho cuộc đời, định hướng dư luận đúng đắn. Thật trân quý những người làm báo trong "cơn bão" cạnh tranh gay gắt của truyền thông đa phương tiện, của mạng xã hội… vẫn giữ được bản lĩnh vững vàng, lòng trung thực và ngọn lửa đam mê với nghề, vẫn nỗ lực không ngừng để làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp mà mình theo đuổi.

Đến với nghề báo, chọn nghề báo làm lẽ sống của cuộc đời mình thì hơn hết người làm báo cần sống một cuộc đời ý nghĩa và viết những điều bình dị, trung thực từ cuộc sống để độc giả thêm tin yêu những điều tốt đẹp, biết ơn và trân trọng những điều thiện lương đồng thời lên án cái xấu xa, giả dối vẫn tồn tại đâu đó trong xã hội.

Trước khi cầm bút, người làm báo cần luôn tâm niệm những điều Bác đã từng trăn trở: Viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì và viết như thế nào? Công chúng ngoài kia sẽ là đối tượng thưởng thức. Viết để chia sẻ nhiều hơn, lan tỏa cái tốt nhiều hơn, đấu tranh chống lại cái xấu các ác nhiều hơn chứ không phải viết chỉ để nổi danh. “Là người cầm bút, trước cuộc chiến sinh tử này, tín hiệu từ trái tim nơi mỗi người, vẫn là trang viết và hãy viết” (nhà văn Bích Ngân - Facebook, 6/8/2021).

NAM HỒNG