Nhà báo điều tra: Họ là ai và đứng ở đâu?
Chuẩn bị bài vở cho số báo đặc biệt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi gọi điện liên hệ đặt bài nhà báo điều tra nổi tiếng Đỗ Doãn Hoàng. Nghe xong, anh nhận lời luôn và chỉ vài hôm sau đã thấy anh gửi bài.
Cá nhân tôi, dù đã viết giáo trình, trực tiếp giảng dạy ở nhiều trường đại học, nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước, đã xây dựng hàng nghìn tác phẩm báo chí có tính chất điều tra (và đạt các giải A, giải nhất của nhiều cuộc thi toàn quốc) trong mấy thập niên qua, nhưng: thật sự, tôi vẫn không tự tin nói về điều trên.
Khi lãnh đạo và đồng nghiệp ở Báo Hải Dương tâm huyết (và chắc là cũng trăn trở) hỏi tôi về tiêu chí cho sự xuất hiện của nhà báo điều tra giỏi, tôi bảo: Câu trả lời có thể sẽ nằm trong một nghiên cứu nào đó khá quy mô, bài bản nào đó. Hoặc từ một nhà báo giỏi nào đó.
Tôi chỉ nói ở góc độ một người “thực chiến” với cảm nhận khá riêng tư để chúng ta cùng ngẫm ngợi.
Hậu thuẫn lớn từ Ban Biên tập
Thứ nhất, người viết bài đằm sâu, phân tích và kiến nghị xác đáng cho một vấn đề (ta tạm gọi là nhà báo điều tra) phải có được một sự hậu thuẫn lớn từ quan điểm, bản lĩnh, tới số tiền công tác phí và nhuận bút không hề nhỏ của cơ quan báo chí. Để đưa ra được “bộ mặt thật” của một câu chuyện, cần sự đanh thép và dấn thân. Trước hết là mất thời gian, hao sức lực, tốn tiền bạc; thứ nữa là sự đụng chạm đến lợi ích, đến sinh mạng chính trị và địa vị tiền bạc của không ít thế lực, đôi khi thật sự nguy hiểm.
Có vụ chúng tôi làm trong 2 năm liền, chỉ riêng việc mua vé máy bay và đổ xăng để lái ô tô vượt đèo núi nhằm nhập vai đã ngốn mất vài chục triệu đồng. Đấy là chưa kể ăn, ở, tiệc tùng, “đặt cọc” giao dịch khéo léo các thứ hàng (đôi khi là hàng rất phi pháp). Mà vào vai đại gia buôn quặng quý, buôn hổ nấu cao, buôn gỗ quý tính theo cân… đi tìm mối làm ăn lớn, thì không thể ăn cơm bụi với “đối tác cá mập” được.
Kết quả loạt bài về vụ phá rừng nghiến cổ thụ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam (Giải A, Giải Báo chí toàn quốc về chống tham nhũng tiêu cực) là 64 năm tù dành cho các đối tượng liên quan, nhiều kiểm lâm và quản lý đơn vị kiểm lâm bị bắt giam. Thử hỏi sự đụng chạm tới mức nào?
Loạt bài được giải quán quân Giải Báo chí quốc gia và cả Giải Báo chí toàn quốc về chống tham nhũng tiêu cực về thảm nạn vận chuyển hàng cấm qua xe thư báo ở Việt Nam, từ nguồn tin chúng tôi tố cáo, đến năm 2024, đã có 35 đối tượng bị bắt giam và đưa ra xét xử, trong đó gồm cả Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ… Cho nên, lúc làm loạt bài, chúng tôi phải báo cáo tới Ban Biên tập, tới Đại tá, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Lai Châu về việc họ tung tin, đe dọa trả thù các nhà báo điều tra vụ này, không ai tỏ ra ngạc nhiên cả. Tốn kém, đụng chạm và sức ép từ nhiều phía, thử hỏi: Nếu Ban Biên tập báo không bản lĩnh, loạt bài có kéo dài tới hơn 10 kỳ xuất bản và đi tranh giải được không? Hay là…?
Đừng ngại khó, ngại khổ hay đổ lỗi cho hoàn cảnh
Thứ hai, là về phía khát vọng tận hiến cho nghề của các nhà báo tham gia điều tra. Họ nên coi làm báo như một cái nghiệp, tức là có duyên chữ nghĩa, muốn cống hiến cho sức mạnh của con chữ để rồi nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành vi tích cực, vì một cộng đồng tốt đẹp hơn. Đôi khi đó là một sự lập ngôn, lập danh trong nghề nữa (chứ không phải thói háo danh). Nếu bạn ấy chỉ là người “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, cốt sao làm tròn bổn phận viên chức ăn lương; thì rất dễ họ sẽ đổ lỗi cho cơ chế, cho sự điều hành của tòa soạn, cho sự bận rộn làm thời sự hay đìu bíu con cái, để rồi làm việc được chăng hay chớ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đúng thế. Nhưng, tinh thần là: đừng nại khó nại khổ hay đổ lỗi cho hoàn cảnh: bạn chỉ làm được, khi bạn thật sự muốn làm. Và thậm chí, nếu cơ quan báo chí ấy không đáp ứng được khát vọng của bạn (chiếc áo ấy không phù hợp hay quá chật chội so với bạn) thì: bạn có thể xin được làm việc ở một nơi phù hợp hơn mà.
Mỗi tòa soạn thời mới và minh bạch, thì đều có hai cửa luôn mở: cửa để đón người mới đến, cửa để bịn rịn chia tay người không còn phù hợp.
Người ta hay nói nhiều tố chất cho một nhà báo điều tra có thành tựu. Anh/chị ấy cần đủ năng động để tư duy mở, tìm ra bản chất vấn đề mình đang hướng tới. Lịch sử của nó ra sao, bản chất sâu xa là gì, những chuyên gia hàng đầu và cả người trực tiếp liên quan đến nó đã, đang nói gì? Ở góc độ luật pháp, ở góc độ quản lý và nhân tâm, kinh nghiệm và quy định quốc tế về vấn đề này ra sao? Để giải quyết được vấn đề, người dân và nhà quản lý cần làm gì?
Hơn nữa, nhà báo đã thu thập tư liệu và kiến nghị để xử lý các vấn đề đó ra sao, xin cho độc giả, khán thính giả được biết kết quả vụ việc - có đong đếm kiểm chứng được. Khả năng kết nối dữ liệu, khả năng thuyết phục cơ quan chức năng vào cuộc một cách đầy “quyền lực” nó đòi tổng hòa nhiều năng lực và trách nhiệm xã hội cao của người cầm bút.
Nhiều vụ, chúng tôi nhập vai rồi đem tài liệu tới cơ quan cấp xã, huyện, tỉnh, các tổ chức quốc tế, các đại biểu quốc hội và hơn thế: Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo xử lý. Nhiều bài đăng trên báo điện tử, chúng tôi in ra, in bản màu đưa tận tay cho các chuyên gia, cán bộ đọc và xin ý kiến họ. Sau đó, các hội thảo quốc gia, quốc tế về vấn đề nhà báo đặt ra được tổ chức, luật Việt Nam về lĩnh vực đó thậm chí đã có những điều chỉnh phù hợp. Tất cả các cuộc thi báo chí điều tra, bao giờ Ban Giám khảo cũng đặt ra tiêu chí: lan tỏa, hiệu ứng xã hội của tác phẩm như thế nào (bên cạnh yếu tố tìm ra cái mới, phân tích được cái mới, nghệ thuật thể hiện tốt) - như phân tích ở trên.
Nói khác đi, ngoài vai trò phản ánh, phân tích, tìm và kiến nghị lối ra cho vấn đề, nhà báo còn có chức năng giám sát, phản biện, kiến nghị giải pháp và chính sách.
Chuyện con chữ và bên ngoài con chữ
Bên cạnh “máu” làm cho ra nhẽ nhiều vấn đề bằng tác phẩm báo chí “để đời” của mình, các nhà báo điều tra mà tôi biết, họ còn có khả năng ngôn ngữ lay động lòng người. Con chữ bầu nên nhà văn, và với nhà báo cũng thế. Có được một giọng văn bản sắc, câu chữ thuyết phục, khả năng diễn đạt đi vào trái tim công chúng báo chí, ấy là một năng khiếu thiên bẩm của người sáng tạo tác phẩm. Và trong cơn lốc của truyền thông thời mới: độc giả, khán thính giả còn mong đợi ở người viết (nhà báo nói chung) cả khả năng hòa trộn các năng lực viết, ghi âm, chụp ảnh, quay phim, xuất hiện trên hình, phỏng vấn và dẫn hiện trường, rồi tích hợp các hình thức trên trong các tác phẩm hợp thời.
Thời của văn hóa nghe nhìn, thời của văn hóa đọc với nhiều đòi hỏi đã khác xưa khá nhiều, thời của mạng xã hội, internet và báo chí truyền thống tương hỗ nhau khéo léo. Bên cạnh các yếu tố trên, còn khả năng “thuyết khách” của người cầm bút. Họ kêu gọi làm việc nhóm, họ thuyết phục đối tác trong các dự án. Và họ vận động hành lang với các chuyên gia, trí thức, chính trị gia, cơ quan điều tra các cấp cùng vào cuộc để xử lý vấn đề mà nhà báo sắp sửa hoặc đã, đang đưa ra.
Một bước tiến của vụ việc mà nhà báo (nhóm nhà báo, cơ quan báo chí) đưa ra, sự đóng góp của vụ việc đó cho xã hội, cũng chính là bước tiến, là đẳng cấp của tác phẩm báo chí ấy, của chính nhà báo ấy trong lòng công chúng báo chí và cả cộng đồng.
Nhiều nhà báo, họ còn là diễn giả, là người vận động chính sách, các hoạt động ngoài trang viết của họ, nếu thành công, sẽ là cơ sở cho những bước tiến thần kỳ của tác phẩm mà nhà báo đang nỗ lực hướng tới. Bởi thước đo quan trọng nhất, cao quý nhất cho phẩm cách của một người làm báo, là họ và tác phẩm của họ đã làm được những điều tốt đẹp cho cộng đồng ra sao.
Những hoạt động ngoài trang viết của nhà báo
Yếu tố bất ngờ nữa, từ hình ảnh các nhà báo điều tra trong và ngoài nước mà tôi đã có trải nghiệm: khả năng thuyết phục người khác qua giọng văn, lời dẫn chuyện (tương tác nói chung) và cả những hoạt động ngoài trang viết của họ.
Một số nhà điều tra báo chí ở châu Mỹ, châu Úc, châu Phi… mà tôi gặp và bàn thảo, giao lưu, họ đều có “máu” của thám tử. Một số nhà báo thích Sê-lốc-hôm (Sherlock Holmes), vài người mê nhà tình báo điệp viên hoàn hảo X6 - Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Họ muốn thử thách giới hạn của bản thân để tìm ra sự thật nào đó. Họ bị kích thích bởi những bài toán khó và những cuộc phiêu lưu. Họ muốn chứng minh khả năng nghề nghiệp tinh thông của mình qua niềm đam mê lớn.
Một nhà báo điều tra về môi trường, tác giả cuốn “Sự giết chóc vì lợi nhuận” (Killing for Profit) gặp tôi ở Nam Phi, tặng sách và chuyện anh kể, sách anh viết: cho thấy anh ở rừng ngày nọ qua ngày kia, nước nọ qua nước kia, đi trực thăng, ngồi gần các khẩu súng máy của thợ săn. Anh đi khắp Việt Nam, Thái Lan, rồi châu Phi, để theo đường dây tội phạm đó và tương tác gần gũi với cơ quan phá án. Sách của anh có các bộ ảnh đối tượng bị bắn chết trước mặt anh, tại nhà riêng của họ. Một nữ nhà báo gốc Ấn Độ, học ở Anh, làm báo ở Mỹ (cho các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới Discovery, National Geographic) và nhiều đồng nghiệp phương Tây khác mà tôi gặp, họ tác nghiệp đơn độc, thuê tôi (Đỗ Doãn Hoàng) giúp khi tới Việt Nam, họ dùng kỹ thuật hiện đại và kỹ năng tác nghiệp quốc tế để tìm ra bản chất nhiều vấn đề môi trường, thiên nhiên, các đường dây buôn lậu xuyên quốc gia. Thậm chí, họ làm phim về thứ quen thuộc vô cùng với người Việt Nam: ăn thịt chó; nhưng phát sóng xong, nó trở nên danh tiếng và VTV đã xin bản quyền để phát lại.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976 tại Hà Nội, có gần 30 năm làm báo, từng 6 lần đoạt Giải Báo chí quốc gia và nhiều giải thưởng cao ở các giải báo chí khác. Các tác phẩm phóng sự điều tra của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc bởi giàu tính chiến đấu, vạch trần nhiều vấn đề tiêu cực trong đời sống, có giá trị nhân văn sâu sắc.