Thượng Hải cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh sản theo bảo hiểm để thúc đẩy tỷ lệ sinh
Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất đất nước, TP Thượng Hải (Trung Quốc) đã đưa dịch vụ hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng vào chương trình bảo hiểm y tế từ đầu tháng 6.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, các cặp vợ chồng trong thành phố muốn sinh con bằng 12 loại công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể được giảm chi phí y tế lên tới 70%, nhờ chính sách mở rộng phạm vi bảo hiểm. Đây là một phần trong nỗ lực khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con theo chỉ thị của chính quyền thành phố được ban hành vào cuối tháng 5.
Thượng Hải, thành phố gần 25 triệu dân, đã công bố tỷ lệ sinh tổng thể thấp kỷ lục ở mức 0,6 vào năm 2023. Điều này là trung bình, mỗi phụ nữ chỉ sinh 0,6 con trong suốt cuộc đời của mình. Trong khi đó, tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ mới được coi là mức sinh thay thế, đây là tiêu chuẩn để đảm bảo dân số ổn định trên diện rộng.
Tỷ lệ sinh ở Thượng Hải - thành phố đầu tiên ở Trung Quốc đại lục bước vào xã hội già hóa khi tỷ lệ người dân từ 65 tuổi trở lên đạt 14% vào năm 2017 - thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc, quốc gia được biết đến là có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới là 0,72 con /phụ nữ vào năm ngoái.
Giới chức Trung Quốc không công bố tổng tỷ lệ sinh vào năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà phân tích ước tính con số này ở khoảng 1 con/phụ nữ. Cục Thống kê Quốc gia báo cáo rằng Trung Quốc có tổng tỷ lệ sinh là 1,3 con/phụ nữ khi công bố kết quả điều tra dân số năm 2020.
Theo Viện nghiên cứu dân số Yuwa có trụ sở tại Bắc Kinh, vấn đề tỷ lệ sinh thấp sẽ đẩy nhanh quá trình già hóa dân số của Trung Quốc. Điều này cũng làm tăng tỷ lệ phụ thuộc xã hội, gây căng thẳng cho hệ thống an sinh xã hội, đẩy nợ công lên cao và gây tổn hại đến sự đổi mới xã hội và tinh thần kinh doanh trong nền kinh tế vốn đã chững lại.
Ông Hu Zhan, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Phúc Đán, cho biết: “Đây là hậu quả mà chúng ta phải hứng chịu trong nhiều thập kỷ thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình. Vấn đề là, ngay cả khi tỷ lệ sinh tăng, vẫn sẽ có ít trẻ sơ sinh hơn vì chúng ta đang có số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm do chính sách một con nhiều năm trước”.
Năm 2022, dân số Trung Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm đầu tiên sau 60 năm khi số ca tử vong vượt quá số ca sinh. Xu hướng này vẫn xảy ra vào năm ngoái, khi các báo cáo cho thấy nước này đã mất vị thế là quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ.
Sự sụt giảm nhanh chóng số lượng trẻ sơ sinh cũng ảnh hưởng đến các trường mầm non trên khắp Trung Quốc. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Giáo dục Sunglory có trụ sở tại Bắc Kinh, số lượng giáo viên mẫu giáo đã giảm hơn 170.000 vào năm ngoái, đây là mức giảm đầu tiên kể từ năm 2010.
Ông Zhang Shouli, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Giáo dục Sunglory, nhận định: “Sự suy giảm số lượng trẻ em diễn ra quá nhanh đến nỗi mang lại trải nghiệm đầy biến động cho ngành giáo dục mầm non”.
Ông dự đoán số lượng trẻ em tại các trường mầm non từ năm 2026 đến năm 2030 sẽ giảm một nửa so với năm 2020.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập, Trung Quốc đã thay thế chính sách một con đã có từ năm 1980 bằng chính sách 2 con phổ quát vào năm 2016. Từ năm 2021, mỗi cặp vợ chồng ở nước này được phép sinh 3 con.
Nhưng sự thay đổi chính sách này dường như không có tác dụng, vì ngày càng có nhiều người trẻ không muốn kết hôn và vẫn do dự về việc sinh con trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, lối sống đa dạng và chủ nghĩa nữ quyền trỗi dậy.
Ông Hu tại Đại học Phúc Đán cho biết thêm khi văn hóa truyền thống ca ngợi tình mẫu tử và tình yêu dành cho trẻ em ngày càng mai một, Trung Quốc cần một môi trường xã hội thân thiện hơn cho các gia đình có trẻ nhỏ.
“Việc nới lỏng chính sách và các ưu đãi sinh sản sẽ không thể mang lại sự thay đổi lớn về số lượng tuyệt đối trong các ca sinh. Vấn đề là xã hội cần phải khoan dung hơn đối với các bà mẹ và trẻ em. Do đó, cuộc ‘hạ cánh mềm’ cho sự thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ có thể xảy ra”, ông bình luận.