Hải Dương giữ ổn định đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực
UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu UBND cấp huyện thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt; giữ ổn định đất trồng lúa bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu phân bổ nhằm bảo đảm an ninh lương thực.
Theo Sở Công thương, Hải Dương có khoảng 112.000 ha trồng lúa, trong đó có khoảng 73% là lúa chất lượng cao. Sản lượng trung bình hằng năm đạt khoảng 700.000 tấn, chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong tỉnh (khoảng 500.000 tấn), phần còn lại cung cấp cho dự trữ quốc gia, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lân cận và xuất khẩu.
Để bảo đảm an ninh lương thực, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu, chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo bảo đảm năng suất, chất lượng, sản lượng đáp ứng nhu cầu lương thực của tỉnh và phục vụ xuất khẩu. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc thiết bị...) phục vụ sản xuất lúa gạo.
Sở Công thương theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo. Nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa các “thương lái” vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, bảo đảm tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật...
UBND cấp huyện thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt; giữ ổn định đất trồng lúa bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu phân bổ nhằm bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh và một phần phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngày 2/3, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Mục tiêu nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa...