Lúng túng chọn mua sách giáo khoa cho con
Việc tự vào phần mềm để đăng ký mua sách giáo khoa năm học mới cho con khiến nhiều phụ huynh khá lúng túng.
Khoảng một tháng trước khi kết thúc năm học, trong nhóm Zalo của lớp con tôi, cô chủ nhiệm nhắn phụ huynh tải ứng dụng của một công ty phát hành sách trên địa bàn để tự vào đăng ký mua sách giáo khoa năm học mới cho con. Mọi việc sẽ chẳng có gì phải nói nếu như ứng dụng này dùng trơn tru, nhưng thực tế có đến quá nửa số phụ huynh trong lớp phản ánh không thể mua sách cho con trên ứng dụng này.
Các phụ huynh liên tục gửi tin thắc mắc trong khi cô giáo cũng không thể giải quyết, mà hạn đăng ký mua sách như cô thông báo chỉ trong 3 ngày. Để bảo đảm có sách mới cho con và không phải rơi vào cảnh chạy đôn chạy đáo 3-4 cửa hàng mới mua đủ bộ sách nên phụ huynh nào cũng cố gắng... Sau nhiều lần loay hoay gỡ ứng dụng cũ ra, rồi cài đặt ứng dụng mới đều không được, tôi đã phải vào thẳng trang thông tin của công ty phát hành sách này để đặt mua sách thì mới thành công.
Chúng tôi thật sự không hiểu chỉ mua bộ sách giáo khoa mới mỗi năm một lần mà phải cài đặt cả ứng dụng của đơn vị phát hành sách để làm gì? Chưa kể ứng dụng này còn chưa hoàn thiện gây phiền toái cho khách hàng. Nếu chuyển đổi số để tạo thuận lợi thì chúng ta luôn khuyến khích, còn nửa vời thì thật sự không cần thiết.
Lại nói về chuyện mua sách giáo khoa, sở dĩ có việc các phụ huynh phải tự đăng ký mua sách cho con mà không qua nhà trường nữa là vì theo quy định nếu nhà trường mua sắm sách giáo khoa với số lượng lớn thì phải thực hiện theo quy định về đấu thầu, lựa chọn nhà cung ứng… Điều này quá phức tạp với nhiều trường.
Thực tế, việc giao cho phụ huynh tự mua sách giáo khoa cho con em mình sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực trong việc lựa chọn đơn vị cung ứng. Các phụ huynh chủ động thời gian mua mà không bị phụ thuộc vào nhà trường. Tuy nhiên, việc này cũng khiến cho nhiều phụ huynh loay hoay bởi không phải trường nào cũng học cùng một bộ sách giáo khoa của cùng nhà xuất bản. Hơn nữa, trong mỗi môn học, nhà trường lựa chọn sách giáo khoa khác nhau nên việc tự mua sách cho con sẽ làm khó phụ huynh. Như đầu năm học vừa qua, toàn bộ sách giáo khoa, sách bài tập các môn học của con tôi đều của một bộ sách, nhưng riêng môn tiếng Anh lại của nhà xuất bản khác. Nên có nhà mua nhầm phải mua lại gây lãng phí, có nhà phải đi khắp các hiệu sách để tìm, thậm chí phải gửi người quen ở tỉnh khác tìm mua giúp… Thật sự rất rắc rối.
Trong thời đại 4.0, việc phụ huynh tự mua sách giáo khoa trực tuyến với đơn vị phát hành sách tiện lợi hơn. Nhưng việc mua này vẫn do nhà trường giới thiệu đơn vị phát hành sách, như vậy có bảo đảm tính cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị?
Đó là chưa nói đến sự lãng phí đối với việc sử dụng sách giáo khoa đã được nhắc tới quá nhiều nhưng các ngành chức năng vẫn chưa thể khắc phục. Nhà có 2 chị em hơn nhau 2 lớp, nhưng em không thể học lại sách của chị dù sách giáo khoa không chỉnh sửa. Chỉ đơn giản là bởi trong sách giao khoa có một vài bài tập các con làm trực tiếp vào sách; bài tập đọc cô cũng chấm điểm trực tiếp vào sách. Chưa kể, có một số bộ môn, mỗi năm nhà trường lại lựa chọn một bộ sách khác nhau nên việc dùng lại bộ sách giáo khoa của các anh chị đi trước là điều không thể. Vì thế, gánh nặng kinh tế vẫn đè lên vai phụ huynh.
Nhà có con trong độ tuổi đi học, việc mua sách giáo khoa là điều bắt buộc, nhưng dường như có quá nhiều vướng mắc khiến các trường đang tìm cách “lách”. Và cách này đã làm khó phụ huynh.