Y tế - Sức khỏe

Bệnh viện tự chủ làm gì khi lương tối thiểu tăng?

BÌNH MINH 07/06/2024 11:00

Lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức dự kiến sẽ tăng khoảng 30% từ ngày 1/7/2024. Các bệnh viện tự chủ tài chính ở Hải Dương sẽ có thêm không ít thách thức, đòi hỏi cần sớm điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh.

img_9931-2.jpg
Lương bình quân chung của cán bộ, nhân viên ngành y dự kiến tăng từ ngày 1/7 tới. Trong ảnh: Nhân viên Bệnh viện Phổi Hải Dương thực hiện kỹ thuật soi đờm phát hiện vi khuẩn lao

Khoản chi tăng mạnh

Thông tin trên báo chí dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo phương án cải cách tiền lương, từ ngày 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).

Với các bệnh viện tuyến tỉnh ở Hải Dương đang thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2 (tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên bằng hoặc lớn hơn 100%) thì việc tăng lương tối thiểu đồng nghĩa với các khoản chi sẽ tăng mạnh.

Theo mức lương tối thiểu hiện hành (1,8 triệu đồng/tháng), mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đang phải chi hơn 9 tỷ đồng cho các khoản lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí theo quy định cho cán bộ, viên chức và người lao động. Từ ngày 1/7 tới đây, nếu tiền lương bình quân chung tăng khoảng 30% thì số tiền bệnh viện này phải chi thêm rơi vào khoảng 3 tỷ đồng.

Dự kiến, Bệnh viện Phổi Hải Dương cần thêm 1,2 tỷ đồng nữa để chi trả các khoản theo quy định, nếu tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng 30% từ ngày 1/7 tới. Hiện mức tiền lương, phụ cấp... mà bệnh viện này đang chi trả hằng tháng cho 316 cán bộ, viên chức, người lao động là khoảng 4 tỷ đồng.

Mỗi tháng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương đang phải chi khoảng 1,7 tỷ đồng tiền lương, phụ cấp... cho 232 cán bộ, viên chức, người lao động. Con số này dự kiến tăng lên khoảng 2,2 tỷ đồng từ ngày 1/7 tới.

Tuy nhiên, các bệnh viện tuyến tỉnh tự chủ tài chính nhóm 2 không chỉ dừng lại ở khoản chi tiền lương và phụ cấp cho cán bộ, viên chức, người lao động mà còn chi trả tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường... Hằng tháng, những khoản chi phí này cũng tiêu tốn số tiền không nhỏ của các đơn vị.

Theo quy định, đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính phải tự bảo đảm nguồn để thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế cho thấy, nguồn thu của các bệnh viện tuyến tỉnh ở Hải Dương hiện chỉ cơ bản đủ chi cho các hoạt động thường xuyên. "Nếu lương bình quân chung tăng thêm 30% thì chúng tôi chưa biết lấy đâu ra nguồn để chi trả", bác sĩ, tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Dương nói.

Bác sĩ Nguyễn Thị Liễu, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết nguồn thu của bệnh viện có được từ các dịch vụ y tế không đáng kể, chưa tiết kiệm được nhiều để thực hiện cải cách tiền lương. Đó là còn chưa kể kinh phí dùng để bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các trang thiết bị máy móc nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện còn hơn 16 tỷ đồng "nguồn dự phòng làm lương". Nếu lương bình quân chung tăng 30% thì số tiền này cũng chỉ đủ chi trả cho cán bộ, viên chức, người lao động trong khoảng 5 tháng.

Sớm điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh

img_9466-2.jpg
Giá dịch vụ khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến tỉnh tại Hải Dương hiện vẫn chưa được tính đúng, tính đủ làm ảnh hưởng tới nguồn thu (ảnh minh hoạ)

Theo ông Phạm Văn Diễn, Trưởng Phòng Tài chính - kế toán Bệnh viện Đa khoa tỉnh, giải pháp hàng đầu để giải quyết thách thức trên là điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cho phù hợp với thực tiễn.

Thực hiện Thông tư 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế, các cơ sở y tế tự chủ tài chính mức độ 2 ở Hải Dương đang thu giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng (đối với người đã tham gia bảo hiểm y tế) và 1,49 triệu đồng (đối với người chưa tham gia bảo hiểm y tế). Khi Nhà nước quy định mức lương mới, cách tính giá dịch vụ khám chữa bệnh cần phải thay đổi theo. Nếu giá dịch vụ này chưa tăng kịp đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước sẽ phải cấp bù. Điều này đi ngược lại với chủ trương chuyển ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế mà Chính phủ đã đề ra.

Đồng tình với ông Diễn, nhiều nhà quản lý y tế trong tỉnh cũng đề nghị HĐND tỉnh sớm quy định giá cụ thể dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện tuyến tỉnh phù hợp với tình hình mới. Thực tế HĐND tỉnh đã có quy định mức giá này nhưng vẫn bám theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng, chưa tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng hiện tại. Tới đây, khi lương bình quân chung tăng, đề nghị tỉnh cần ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu bảo đảm tính đúng, tính đủ thì các bệnh viện tự chủ tài chính mới có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động.

BÌNH MINH