Cán bộ phải vì lợi ích chung
Hiện nay vẫn còn một số lãnh đạo, quản lý mang tính thụ động, đối phó, chỉ biết quan tâm đến lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Làm lãnh đạo cũng là một nghề, phải rèn đức luyện tài, trong đó đức phải là gốc”. Người lãnh đạo, quản lý phải có những phẩm chất cơ bản như: đúng mực, quyết đoán, có khả năng minh định, nhẫn nhịn, chấp nhận sự khác biệt, có niềm tin, nỗ lực, chịu khó, hào hiệp, có tư duy tổng hợp, có chuyên môn sâu của một ngành, có đạo đức xã hội, biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý thụ động, đối phó, chỉ biết quan tâm đến lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân của bản thân, không có khả năng phát hiện, bồi dưỡng và phát huy những điểm tốt, sở trường của cấp dưới, thiếu sự quan tâm chăm lo tới nhân dân. Một số cán bộ quản lý, lãnh đạo không có quan điểm, lập trường rõ ràng, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không phê phán, lên án. Mọi hành động không trên tinh thần phục vụ, vì cấp dưới, vì nhân dân, mà vì lợi ích cá nhân. Những cán bộ lãnh đạo, quản lý này sẽ trở thành rào cản, kéo lùi sự phát triển của tổ chức.
Đặc biệt, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý còn có biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, nói không đi đôi với làm, năng lực yếu kém, chưa mạnh dạn tự phê bình và phê bình. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý còn lợi dụng chức quyền để thu vén lợi ích cá nhân, làm mất lòng tin của nhân dân.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Trong bối cảnh hiện nay, người lãnh đạo, quản lý cần phải có tầm nhìn xa và gắn với thực tế, có năng lực thích ứng nhanh trước biến đổi với thực tiễn xã hội. Người lãnh đạo, quản lý phải có cả tài, cả đức; phải đóng vai trò của nhà thiết kế chiến lược, luôn quan tâm đến sự phát triển của toàn bộ hệ thống. Đồng thời phải có khả năng vượt qua được thách thức, luôn thể hiện sự kiên định của mình trong mọi tình huống khác nhau.
Để cơ quan, tổ chức phát triển vững mạnh, cần có sự hiện diện của người lãnh đạo, quản lý luôn có tinh thần chủ động, có hoài bão, có tầm nhìn, biết trân trọng các cá nhân, biết khích lệ, động viên tinh thần của cấp dưới, biết quan tâm, chăm lo cho nhân viên, vì lợi ích chung. Đặc biệt, người lãnh đạo, quản lý hiện nay phải mạnh dạn đột phá, dám tự chịu trách nhiệm, dám đối mặt với thách thức.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước...”. Trong Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Bộ Chính trị yêu cầu: Tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ...
Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước, về hoạt động công vụ, hướng tới chuyên nghiệp, không thiên vị, phục vụ nhân dân. Nâng cao nhận thức về trách nhiệm công vụ, phát huy vai trò tích cực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tự rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy tắc đạo đức công vụ, thực hiện các giá trị công vụ, giao trách nhiệm cho bộ phận tổ chức cán bộ, hay nhóm kiểm tra, giám sát trong thực thi công vụ thực hiện. Quy định đối với trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong thực hiện đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đơn vị, tổ chức.