Nhập siêu quay lại sau 23 tháng
Sau 23 tháng xuất siêu liên tục, Việt Nam đã nhập siêu trở lại vào tháng 5 ở mức 1 tỷ USD.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng tốc nhanh hơn, đến 29,9% so với cùng kỳ, ước đạt 33,81 tỷ USD.
Kết quả, Việt Nam lần đầu có tháng nhập siêu sau gần 2 năm. Lần gần nhất cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận nhập siêu là tháng 5/2022, ở mức 2,02 tỷ USD.
Việc nhập siêu quay lại được các tổ chức nghiên cứu nhìn nhận tích cực, vì cho rằng doanh nghiệp sản xuất tăng mua nguyên liệu, vật tư.
Theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu quay lại là điều đáng quan tâm, nhưng có thể kỳ vọng. "Nhập siêu do nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh là chỉ báo cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới", cơ quan này nhận định.
Cụ thể, một số mặt hàng phục vụ gia công, sản xuất có giá trị nhập khẩu tăng cao như điện thoại và linh kiện (55,1%); sắt thép (50,1%); điện tử, máy tính và linh kiện (39,3%); xăng dầu (34,6%); nguyên phụ liệu dệt, may, giày, dép (33,7%); chất dẻo (31,4%).
Nhập khẩu các nguyên - nhiên liệu này tăng trong bối cảnh chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tiếp tục cải thiện, ước tăng 8,9% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều ngành phục vụ xuất khẩu tăng cao như: cao su và plastic (24,1%); chế biến gỗ và sản xuất gỗ (23,0%); thiết bị điện (19,4%); điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (17,4%); trang phục (9,4%).
Cùng với đó, tiêu thụ trong nước cũng khả quan hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng qua ước tăng 9,5% so với cùng kỳ 2023.
Khảo sát Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam do S&P Global công bố hôm 3/6 cũng ghi nhận sản xuất Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 5. Trong đó, hoạt động mua sắm đầu vào tăng tháng thứ hai liên tiếp.
"Số lượng đơn đặt hàng mới lại tăng mạnh trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng nhu cầu đang được duy trì, thúc đẩy sự tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ hơn trong tháng 5", Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá.
Báo cáo vĩ mô mới cập nhật của Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá "nhập siêu nên mừng hơn lo". "Nhìn sơ qua, có vẻ đây là tin buồn vì tăng thêm áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ lưỡng từng số liệu, đây lại có thể là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế", báo cáo nêu.
ACBS chỉ ra rằng nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là hàng điện tử, điện máy và dệt may có thể là bước đi trước của xuất khẩu ở các lĩnh vực chủ lực này. Năm ngoái, tăng trưởng nhập khẩu chậm cũng kìm hãm đà hồi phục của xuất khẩu.
Công ty chứng khoán này dự báo nhập khẩu linh kiện điện tử máy tính, máy móc thiết bị tăng 20-50% trong riêng tháng 5 sẽ giúp xuất khẩu các mặt hàng này tăng từ 20-30% trong nửa cuối 2024.
Hay như nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may tăng mạnh (33% trong tháng 5 và hơn 20% trong 5 tháng) báo hiệu đơn hàng sẽ tăng tốt trong thời gian còn lại năm nay. Sắt thép cập cảng nhiều hơn có thể xem là động thái tích trữ hàng giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ đang tăng, và đối phó với rủi ro về chính sách thuế.
Tháng 5 nhập siêu nhưng tính chung 5 tháng đầu năm Việt Nam vẫn giữ xu hướng xuất siêu, ở mức 8,01 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ở mức 148,76 tỷ USD, tăng 18,2%.