Y tế - Sức khỏe

Hai tuần sau khi Thủ tướng đăng ký hiến tạng, danh sách tăng thêm 10.000 người

T.H (theo Vietnamnet) 04/06/2024 16:30

Trong khoảng 10 năm, Việt Nam có 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Từ lễ phát động đăng ký hiến tạng diễn ra ngày 19/5, đặc biệt sau khi Thủ tướng trực tiếp đăng ký hiến tạng, số lượng người đăng ký tăng rất nhanh.

gheptang.jpeg
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn (phải) trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Gia Anh

Thông tin được PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia), cho biết tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức vụ phó giám đốc của trung tâm này, ngày 3/6.

“Trong khoảng 10 năm, Việt Nam có 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, nhưng từ lễ phát động đăng ký hiến tạng diễn ra ngày 19/5, đặc biệt sau khi Thủ tướng trực tiếp đăng ký hiến tạng, số lượng người đăng ký tăng rất nhanh, thêm 10.000 người”, bác sĩ Hệ cho biết.

Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bệnh viện tại Quảng Ninh… đã tổ chức vận động cán bộ, nhân viên y tế đăng ký hiến mô, tạng, nhưng chưa cập nhật thông tin.

PGS Hệ cho biết việc xây dựng mạng lưới các bệnh viện vận động hiến tặng mô, tạng rất quan trọng. Ví dụ, Malaysia có dân số 39 triệu dân (bằng 1/3 Việt Nam) nhưng có tới 156 bệnh viện hiến tạng với rất nhiều tổ tư vấn.

“Thời điểm chúng tôi đến thăm, đất nước này có 32 ca chết não hiến tạng tính từ đầu năm, trong khi ở Việt Nam cùng khoảng thời gian đó chỉ có 9 trường hợp. 5 người trong số này tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, không có ca nào ở bệnh viện tại miền Nam và Trung”, PGS Hệ nói.

Hiện, mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam đã được xây dựng tại 68 bệnh viện, trong đó có 24 bệnh viện ở miền Bắc, 29 viện ở miền Nam, còn lại ở miền Trung. Tuy nhiên, mạng lưới hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia ước tính tại Việt Nam có 500-600 bệnh viện có nguồn chết não "tiềm năng", trong tổng số khoảng 1.500 bệnh viện trên toàn quốc. Nếu mở rộng được mô hình mạng lưới vận động, trong 5-7 năm chúng ta sẽ có nguồn hiến tạng từ người cho chết não tương đương Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết sau 32 năm, thầy thuốc Việt Nam đã ghép được hầu hết các tạng trên người như thận, gan, tim, phổi, tụy… Hai năm gần đây, Việt Nam ghép được 1.000 ca/năm, đứng đầu khu vực ASEAN. Dù số lượng ca ghép ngày càng tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh. Một điều khó khăn khác là khoảng 95% ca ghép tạng từ nguồn hiến là người cho sống, trong khi tại các nước phát triển, phần lớn nguồn hiến từ người cho chết não.

Vị lãnh đạo đề nghị Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nghiên cứu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin có thể điều phối nhanh chóng, linh hoạt, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, trung tâm nghiên cứu cơ chế, chính sách tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên, tuyển đủ số lượng chỉ tiêu Bộ Y tế đã giao.

T.H (theo Vietnamnet)