Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ
Điều cán bộ, đảng viên, nhân dân kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo là có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trung thực, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.
Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Quy định 142-QĐ/TW về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ trong thời gian 5 năm tính từ ngày 23/4/2024.
Từ thực tiễn, một số cán bộ lãnh đạo cấp cao phải nhận kỷ luật Đảng, chịu trách nhiệm của người đứng đầu do để cấp dưới của mình vi phạm khuyết điểm, làm sai, làm trái pháp luật, tham nhũng... thì việc ban hành quy định này là một bước tiến mới, tiếp tục khuyến khích tạo sự minh bạch, công tâm hơn trong công tác tổ chức cán bộ. Từ đó nâng cao ý thức, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, đào tạo, giới thiệu cán bộ kế cận, kế tiếp. Chấm dứt tình trạng tồn tại lâu nay là không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai sót trong việc giới thiệu “nhầm” cán bộ; không thể đổ lỗi cho tập thể. Từ đó, các cấp sẽ kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; ngăn tình trạng “thân hữu, cánh hẩu”, bổ nhiệm người thân, họ hàng...
Theo Quy định 142, người đứng đầu được quyền giới thiệu một cán bộ trong quy hoạch tại chỗ, hoặc một cán bộ từ nguồn ở nơi khác cho một chức danh để cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét đưa vào danh sách, tiến hành quy trình công tác cán bộ, hoàn thiện ban lãnh đạo của cơ quan, đơn vị mà mình được giao phụ trách… Việc giới thiệu bảo đảm lựa chọn cán bộ vào bộ máy phải đúng người, đúng việc, có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Quy định cũng nêu rõ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong các trường hợp giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan, không bảo đảm điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và miễn nhiệm cán bộ không đủ căn cứ, thủ tục theo quy định. Như vậy, người trực tiếp giới thiệu phải liên đới chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, thậm chí mất hết chức vụ...
Việc thí điểm công tác cán bộ tại quy định nêu trên được thực hiện tại cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên. Đối với Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương có quy định riêng...
Để quy định đi vào thực tiễn, các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng chi tiết để thực hiện thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là vai trò giám sát của quần chúng nhân dân. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải có con mắt tinh tường, cân nhắc kỹ lưỡng và toàn diện trong bổ nhiệm cấp phó của mình, cũng như miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực thuộc, bảo đảm công tâm, khách quan… Đây chính là điều cán bộ, đảng viên, nhân dân kỳ vọng về đội ngũ lãnh đạo có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trung thực, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.